ASEAN cần có khả năng dẫn dắt và trở thành động lực của tất cả các sáng kiến về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Nguồn: East Asia Forum) |
Tại một sự kiện trực tuyến, ông Sanjaya lạc quan rằng, AOIP - trong đó có nguyên tắc xây dựng hợp tác để tạo ra một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở - có thể trở thành “luật chơi” của cộng đồng quốc tế, bao gồm các siêu cường, trong bối cảnh bùng phát các vấn đề địa chính trị trong khu vực.
Theo ông, nhiều nước, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Canada, Ấn Độ, Hàn Quốc cho đến các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), đều có các khái niệm tương tự ASEAN liên quan khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, quan chức Indonesia nhấn mạnh, ASEAN cần có khả năng dẫn dắt và trở thành động lực của tất cả các sáng kiến về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Chia sẻ quan điểm này, Tổng thư ký ASEAN Kao Him Hourn tin tưởng rằng, các siêu cường sẽ tiếp tục ủng hộ ASEAN thực hiện các nguyên tắc trong AOIP mặc dù họ cũng có quan điểm riêng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo ông Kao, các nguyên tắc của AOIP thúc đẩy tính chất bao trùm và cởi mở cho tất cả mọi người trong cộng đồng quốc tế bằng cách nhấn mạnh hợp tác kinh tế và thương mại.
Tổng thư ký ASEAN nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng, các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như của Mỹ, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc sẽ hỗ trợ vai trò trung tâm của ASEAN cũng như các ưu tiên trong AOIP, song không làm leo thang căng thẳng”.