Ngày 12/11 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có một bài phát biểu gây chú ý tại Diễn đàn Quản trị Internet (Internet Governance Forum-IGF), do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) có trụ sở tại Paris tổ chức. Trong khi IGF đã đi vào hoạt động được một khoảng thời gian, thế nhưng lợi ích nó đem lại gần như không đáng kể.
Đó là lý do vì sao ông Macron đã chuẩn bị một bài phát biểu dài ba trang gồm 20 đoạn ngắn với tham vọng nhằm giúp thế giới tránh một kết cục tồi tệ: cuộc sống của con người không biến thành một cơn ác mộng gây ra bởi các cuộc tấn công trên mạng.
Văn kiện “Paris kêu gọi đảm bảo tin cậy và an toàn trong không gian mạng” được đưa ra tại IGF lần thứ 13, một diễn đàn đa phương do UNESCO tổ chức. Tổng thống Macron hy vọng đưa IGF trở thành một nhóm đoàn kết gồm các quốc gia, các công ty công nghệ chia sẻ một cam kết hợp tác ngăn chặn các hành động ác ý trên mạng như theo dõi trực tuyến, ăn cắp bí mật thương mại, hướng tới xây dựng và củng cố “một không gian mạng mở, an toàn, dễ tiếp cận và yên bình”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Diễn đàn Quản trị Internet (IGF) ngày 12/11. (Nguồn: Getty) |
Thập kỷ hỗn loạn
Sáng kiến của Tổng thống Pháp đến vào thời điểm thế giới đang trải qua một thập kỷ hỗn loạn với hàng loạt những vụ tấn công trên mạng diễn ra ngày một nghiêm trọng. Tội phạm mạng không chỉ là những phần tử “hacker” đơn lẻ với động cơ và mục đích cá nhân mà nguy hại gấp bội phần là tổ chức phạm tội với quy mô tổ chức, công ty và đặc biệt là cấp quốc gia.
Trong khi đó, thế giới đang lại chưa tìm ra được một tiếng nói chung, nhất là tình trạng chia rẽ giữa các quốc gia có tiếng nói và ảnh hưởng lớn, chưa kể đến các tiềm lực mới nổi cũng khiến các cuộc đàm phán về vấn đề này gặp khó khăn.
Phòng, chống tội phạm mạng trở thành một cuộc chiến nóng bỏng trên phạm vi toàn cầu. Tổng thống Pháp Macron khi trình bày sáng kiến tại IGF đã nhấn mạnh, các nước phải cùng nhau hành động, cũng như có thể phối hợp với các đối tác tư nhân, giới nghiên cứu và xã hội dân sự nhằm bảo vệ lợi ích của người dân trên mạng.
Bên cạnh vai trò tích cực to lớn đối với sự phát triển, mạng Internet toàn cầu đang trở thành một “mảnh đất màu mỡ” cho đủ loại tội phạm sinh sôi nảy nở với tác hại khôn lường. Trên thực tế, Internet dần dần cũng được sử dụng làm vũ khí chiến tranh.
Nhiều quốc gia lớn, trong đó có Pháp, đã đưa không gian mạng vào chiến lược quân sự của nước họ để tránh cho một kịch bản “Trân Châu Cảng thời đại số” xảy ra, ví dụ như cũng hacker tấn công hệ thống giao thông khiến nó trở nên hỗn loạn hay làm trật bánh tàu hỏa. Kể từ khi cho xuất bản Sách Trắng về Quốc phòng và An ninh Quốc gia năm 2013, Paris đã đưa ra luận điểm rằng những cuộc tấn công mạng, nếu được thực hiện bài bản và có mức độ nghiêm trọng cao, sẽ trở thành “một hành động gây chiến tranh thực sự”.
Thành công hay thất bại?
Giữa tình trạng lợi ích của các nước bị phân tán, việc đi đến được một kết luận chung mà tất cả các phe cùng đồng tình không phải là điều dễ dàng. Pháp và UNESCO muốn kêu gọi khởi động lại các cuộc đàm phán, vốn bị hoãn kể từ năm 2017, về một “bộ quy tắc ứng xử” trên mạng với sự tham gia của cả cộng đồng quốc tế để đảm bảo an ninh mạng, chứ không chủ yếu dựa vào các nỗ lực đơn lẻ từng công ty, tổ chức hay quốc gia như hiện nay.
Kết quả là Lời kêu gọi Paris nhận được sự ủng hộ của 51 quốc gia, bao gồm tất cả thành viên EU, 90 tổ chức phi chính phủ và hơn 130 công ty công nghệ và đại học, cùng nhau cam kết phòng chống tội phạm mạng. Những quốc gia không tỏ ra hào hứng và bày tỏ cam kết với Pháp bao gồm: Trung Quốc, Nga, Israel, Iran, và Mỹ đều là những nước đã, đang và sẽ có nhiều khả năng xung đột an ninh mạng với nhau.
Tuy vậy, Lời kêu gọi Paris phần lớn mang tính biểu tượng và không bắt buộc các bên ký kết bất kỳ thỏa thuận hay thế hiện bất cứ hành động chính thức nào. Thậm chí, văn kiện của ông Macron cũng không được coi là hoàn hảo, kể cả đối với những người đã chấp nhận nghe theo lời kêu gọi.
Đầu tiên là việc hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các quốc gia khi giải quyết các vấn đề liên quan đến tội phạm mạng phải dựa trên các lệnh tư pháp chính thức chứ không phải là bàn giao dữ liệu cá nhân thông thường từ quốc gia này sang quốc gia khác. Điểm yếu khác được thấy trong cam kết nhằm ngăn chặn hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, nếu được thực hiện một cách nhiệt tình, nó có thể vi phạm luật chia sẻ hợp pháp các ý tưởng và thông tin trực tuyến và cũng như can thiệp vào quyền riêng tư.
Bất chấp những hạn chế của nó, thực tế là Lời kêu gọi Paris đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi cho thấy được phần lớn các nước trên thế giới đều có quan điểm rằng chỉ có hợp tác quốc tế mới là câu trả lời cho hòa bình và ổn định. Dù vậy, chỉ có thời gian mới cho biết được thực sự liệu trên thực tế, đề xuất này sẽ hoạt động ra sao.