Nhỏ Bình thường Lớn

Iran - Mỹ: Khoảng cách giữa mong muốn và hiện thực

Dường như chỉ đợi ông Bush ra đi là Iran và Mỹ tìm đến với nhau. Sau 3 tuần bận rộn với những kế hoạch tái thiết nền kinh tế Mỹ, tân Tổng thống Barack Obama đã quay lại các mối quan tâm về đối ngoại với một tuyên bố sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Iran. Và Iran cũng hồ hởi đón nhận chuyển biến tích cực đó với thông điệp của Tổng thống Ahmadinejad: “Chúng tôi sẵn sàng tiến hành đối thoại trên tinh thần bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”.

Có thể nói đây là một dấu hiệu tích cực chưa từng có trong quan hệ Mỹ - Iran kể từ năm 1979 khi cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran đã đưa quốc gia này từ đồng minh chủ chốt trở thành kẻ thù trực tiếp của Mỹ ở Trung Đông, đặc biệt là trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Bush khi cái tên Iran được nêu trong “trục ác”. Nhưng chỉ dấu hiệu tích cực  thôi là chưa đủ.

 

Một mối quan hệ đã bị đóng băng trong suốt 30 năm qua với rất nhiều hiểu lầm và nghi ngại khó có thể được hâm nóng chỉ với một vài tuyên bố. Hơn nữa, những nghi ngại lớn của Mỹ đối với Iran dưới thời ông Bush dường như vẫn chưa được chính quyền của ông Obama gạt bỏ. Mặc dù khẳng định sẵn sàng đàm phán với Iran, nhưng ông Obama vẫn không quên nhắc nhở Tehran cần phải hiểu rằng đối với Washington, “việc tài trợ cho các tổ chức khủng bố là không thể chấp nhận được” và “một nước Iran có vũ khí hạt nhân sẽ gây ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực và là nguyên nhân cho những bất ổn sâu sắc”.

 

Hẳn chưa ai quên trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông Obama đã nhiều lần khẳng định rằng ông không cho phép Iran có được vũ khí hạt nhân, hay thậm chí chỉ là có khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân. Ngay cả cánh tay phải của ông Obama, Phó Tổng thống Joseph Biden cũng đã khẳng định tại Hội nghị An ninh Munich cuối tuần qua rằng nếu Iran tiếp tục các chương trình hạt nhân, các biện pháp trừng phạt sẽ được tăng cường. Không có dấu hiệu cho sự xuống thang của Mỹ, quả bóng phải chăng ở phía Iran?

 

Đáng tiếc là Iran lại luôn là một ẩn số. Tổng thống Ahmadinejad khẳng định sẵn sàng đối thoại trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, nhưng ở Iran, người có ảnh hưởng quyết định về các vấn đề của quốc gia, kể cả về quan hệ với Mỹ, lại là Giáo chủ Ali Khomenei. Giá dầu sụt giảm, ông Ahmadinejad đang phải hứng chịu nhiều chỉ trích từ phe cải cách do những sai lầm trong quản lý kinh tế và một chính sách đối ngoại cứng rắn khiến Iran phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt của quốc tế. Ngay cả phe bảo thủ cũng đang mất dần sự kiên nhẫn đối với Ahmadinejad khi ông không đem lại cho Iran vai trò lãnh đạo thế giới Ảrập và “kẻ thù Israel” vẫn còn tồn tại.

 

Trong bối cảnh đó, cựu Tổng thống Mohammad Khatami đang nổi lên như một ứng cử viên nặng ký. Mặc dù theo đường lối cải cách, nhưng nhiều khả năng ông Khatami sẽ là người nhiệt thành theo đuổi các chương trình hạt nhân của Iran, bởi đó có thể sẽ là chìa khóa cho việc vực dậy nền kinh tế Iran khi giá dầu giảm, đồng thời giúp ông Khatami giành được sự ủng hộ từ phe bảo thủ của giáo chủ Khamenei.

 

Một biến số khác mang tên Israel cũng có nguy cơ làm đảo lộn các toan tính chính trị giữa Mỹ và Iran. Tel Aviv vừa tiến hành bầu cử sớm với kết quả bỏ phiếu sít sao giữa Đảng cánh hữu Likud và đảng trung dung Kadima. Hiện quyền quyết định nằm trong tay đảng cực hữu Israel Beteinu vốn giành được khoảng 15% phiếu bầu. Ngay cả khi không phải một đảng cánh hữu lên nắm quyền ở Israel thì Tel Aviv cũng mất dần kiên nhẫn khi cảm thấy bị Mỹ bỏ rơi trong cuộc đối đầu với một Iran đang tìm cách xây dựng sức mạnh hạt nhân. Ở Tel Aviv, người ta cho rằng một nước Iran có vũ khí hạt nhân là mối đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của nhà nước Do Thái và một kế hoạch tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran vẫn luôn được để ngỏ. Một khi Israel tấn công Iran, mọi nỗ lực đối thoại giữa Washington và Tehran sẽ trở về con số không.

 

Iran và Mỹ đang nỗ lực xích lại gần nhau, hoặc chí ít cũng đang mong muốn xích lại gần nhau. Nhưng hố ngăn cách của 30 năm thù địch đã tạo nên một khoảng cách không nhỏ giữa mong muốn và hiện thực, vốn không thể dễ vượt qua trong một sớm một chiều.

 

Đại Dương