Trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình ngày 8/5, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã đưa ra cảnh báo trên ngay sau khi Bộ Ngoại giao nước này thông báo quyết định của nước Cộng hòa Hồi giáo này đình chỉ việc thực hiện một số cam kết tự nguyện trong thỏa thuận nói trên.
Trong tuyên bố này, Tổng thống Iran thông báo, sau 60 ngày, Iran sẽ "thu hẹp" việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu uranium.
Theo hãng tin FARS, đây chính là thời hạn mà Iran yêu cầu các nước còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân gồm Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp và Đức phải thực hiện cam kết liên quan đến lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng.
Ông Rouhani cũng cảnh báo sẽ có hành động đáp trả nhất định nếu vấn đề hạt nhân một lần nữa được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Ông khẳng định, lập trường của Iran sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân.
Tổng thống Iran ra tối hậu thư về việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân. (Nguồn: Reuters) |
Tại một cuộc họp nội các hàng tuần, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng cho rằng, Mỹ trước hết phải thể hiện sự hối hận về những hành động "phạm pháp" của họ, sau đó Washington phải thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau và ăn năn.
Theo Tổng thống Rouhani, Iran sẵn sàng thương lượng với Mỹ nếu Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế và xin lỗi về hành động "phạm pháp" của mình. Ông cho rằng, các cuộc thương lượng sẽ diễn ra sau khi tất cả sức ép được loại bỏ. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi luôn có những người ủng hộ về đàm phán và ngoại giao".
Thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức), theo đó Iran hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phươngTây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.
Tháng 5/2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran với lý do nội dung thỏa thuận "quá hào phóng" với Iran, không siết chặt các hoạt động thử tên lửa đạn đạo hay hạn chế việc Iran tham gia vào các cuộc xung đột trong khu vực. Theo đó, Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Tehran.
Sau động thái này của Washignton, các quốc gia châu Âu đã nỗ lực tìm cách cứu vãn thỏa thuận này. Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo thiết lập Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại để đảm bảo duy trì các hoạt động thương mại với Iran, qua đó bảo vệ lợi ích của nước Cộng hòa Hồi giáo này trong bối cảnh Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nước này. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ chế này vẫn chưa đi vào hoạt động và Iran nhiều lần thể hiện sự mất kiên nhẫn đối với EU.