TIN LIÊN QUAN | |
Dạy nấu món ăn Việt Nam tại Nhật Bản | |
Người Brunei ngày càng yêu thích món ăn Việt |
Có thể nói, chưa bao giờ ẩm thực Việt lại bước vào thời kỳ thịnh vượng đến thế. Các món ăn Việt liên tiếp xuất hiện trong bảng xếp hạng món ngon của thế giới, nhiều đầu bếp Việt đạt giải thưởng cao trong các cuộc thi đầu bếp trong nước và quốc tế... Điều đó cũng dễ hiểu khi mà trước đó hàng thập kỷ, rất nhiều trong số vài triệu người Việt đang sinh sống ở nước ngoài đã hội nhập rất tốt với quốc gia sở tại và ăn nên làm ra từ những món ăn quê nhà. Chính nhờ những đại sứ văn hóa đó mà món ăn Việt được thế giới biết đến và tôn vinh.
Anthony Bourdain ăn bún chả ở Hà Nội cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama tại quán Hương Liên. |
Tuy nhiên, khi thế giới ngày càng biết nhiều hơn đến ẩm thực Việt như các món bún phở truyền thống, nem rán, nem cuốn hay chả giò, chả cá… vì nhiều nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan mà công thức và khẩu vị gốc của các món ăn đã bị biến tấu, thậm chí đi quá xa so với bản gốc của nó.
Những sứ giả ngoại
Không khó để tìm ra những tên tuổi người nước ngoài yêu thích ẩm thực Việt, trong số đó có nhiều đầu bếp nổi tiếng, đã cất công đến Việt Nam để mục sở thị cách đi chợ, chọn thực phẩm, gia vị… và học cách chế biến món Việt thành thục trên đất Việt. Để rồi sau đó, với những kiến thức nền được trang bị, họ đi tới nhiều nơi trên thế giới, mở nhà hàng, quán ăn giới thiệu hương vị Việt tới người dân sở tại.
Cách đây 3 năm, Pat Chaimontree, một đầu bếp người Thái Lan đã hiện thực hóa giấc mơ mở quán ăn Việt Nam với một tiệm bán bánh mỳ và cà phê ở New Zealand. Trong một lần đi du lịch Nha Trang, được thưởng thức những món ăn đường phố dân dã nơi đây, Chaimontree nảy ra ý định mở một nhà hàng Việt Nam ở Hamilton, cách thành phố Auckland khoảng 130km về phía Nam – nơi vợ chồng anh sinh sống.
Tại quán ăn của anh, ngoài việc thưởng thức món ăn ngon đúng chất Việt Nam, thực khách còn được chủ quán giới thiệu về lịch sử ẩm thực Việt Nam và ảnh hưởng của ẩm thực Pháp đối với các món ăn địa phương.
Nhiều người Hà Nội từng được thưởng thức các món ăn Việt do đầu bếp nổi tiếng Wini Brugger, chủ nhà hàng “Indochine 21” của Áo, chế biến tại khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội. Đam mê ẩm thực Việt, ông còn sản xuất một bộ phim tài liệu quảng bá cho cuốn sách sắp xuất bản của mình về các món ăn Việt Nam, được phát trên truyền hình Áo, Đức và Thuỵ Sỹ.
Hay mới đây nhất, hình ảnh đầu bếp kiêm chuyên gia ẩm thực, MC truyền hình nổi tiếng của Mỹ Anthony Bourdain đi ăn bún chả ở Hà Nội cùng Tổng thống Barack Obama đã khiến thực khách cả thế giới nức lòng trước món ăn này. Ông từng chia sẻ trên CNN Travel: “Chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam đã thực sự thay đổi cuộc đời tôi. Việt Nam như một hành tinh khác, một hành tinh có rất nhiều món ngon, hút tôi vào và không bao giờ thả ra”.
Biến tấu bất đắc dĩ
Mới đây, khi sang Việt Nam du lịch, anh bạn người Australia được mời đến dự bữa tối với gia đình tôi. Khi nhận lời mời, anh tha thiết yêu cầu tôi chế biến món nem rán, thứ anh từng được ăn ở một nhà hàng Việt ở Paris.
Sau khi ăn liền 3-4 cái nem và tấm tắc khen ngợi hương vị của nó, anh chia sẻ: “Món này giống hệt món nem tôi được ăn ở Pháp, nhưng khác rất nhiều so với món nem ở Madrid”. Anh giải thích: Ở Paris có rất nhiều nhà hàng Việt, các món ăn đều do đầu bếp người Việt chế biến, nên hương vị tương đối đồng đều. Trong khi đó, lần thưởng thức “món cuốn mùa Xuân” (spring rolls - nem rán) tại một nhà hàng Trung Quốc có phục vụ món ăn Á ở Madrid (Tây Ban Nha) khiến anh nhớ mãi bởi hương vị lạ lùng không giống ai của nó. Anh bảo: “Không những được làm bằng gia vị không tươi mà cách họ cuộn nem cũng không đẹp. Vỏ nem cuốn cũng dày và cứng, không mỏng và giòn tan như tôi từng được ăn”.
Có thể thấy, hiện nay, ngày càng có nhiều người nước ngoài mở nhà hàng bán món ăn Việt trên khắp thế giới. Tuy nhiên, không phải nhà hàng nào cũng có đầu bếp là người Việt, hoặc có đầu bếp từng được đào tạo kỹ năng chế biến món ăn Việt. Internet đã cho các đầu bếp trên thế giới tiếp cận với những công thức nấu ăn của các nước với những chương trình dạy nấu ăn trực tuyến. Nhưng hương vị món ăn là thứ Internet không bao giờ truyền tải được. Đó chính là lý do vì sao các đầu bếp chưa từng trực tiếp ăn món ăn Việt chỉ có thể nấu được thứ na ná món Việt mà khó lòng nấu được những món Việt chuẩn mực.
Sự di cư và giao thoa văn hóa đã làm xuất hiện nhiều biến tấu trong các món ăn về hình thức chế biến, về nguyên liệu... Chính vì vậy, để có thể nâng tầm món ăn Việt Nam lên thương hiệu quốc gia còn cần nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, để quảng bá ẩm thực Việt rộng rãi, như người Nhật đã làm với sushi, người Italy với bánh pizza... cần có những định hướng phát triển lâu dài và thống nhất.
Thăm dò: Có tới 85% người dân Séc ưa chuộng đồ ăn Việt Theo một cuộc điều tra mới đây được công bố trên truyền thông Séc có tới 85% số người dân nước này được hỏi cho ... |
Phở Hà Nội một nghệ thuật, một món ăn, một tình yêu Có lẽ không ngoa khi ví Hà Nội chính là không gian văn hóa của món ăn Việt hiện đã được biết đến trên toàn ... |
Vua đầu bếp Ngô Thanh Hòa: Muốn nâng tầm món ăn Việt Với kinh nghiệm sống gần 20 năm cùng một công việc tốt tại Austraulia nhưng Ngô Thanh Hòa (Harold Ngo) vẫn quyết định trở về ... |
Đến Panama bán món ăn Việt Nam “Doanh nghiệp Việt Nam nên đến ngay Panama để mở nhà hàng bán các món ăn Việt Nam, nhất là món phở...”. Đó là lời ... |