Iran nhấn mạnh rằng 3 hòn đảo Abu Musa, Greater Tunbs và Lesser Tunbs vĩnh viễn thuộc chủ quyền của Iran. Trong ảnh: Đảo Abu Musa ở Vịnh Ba Tư. (Nguồn: Iran International) |
Trang Iran International ngày 20/7 đưa tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Iran và Nga đang tích cực xây dựng quan hệ đối tác chiến lược kiểu mới.
Hai bên đang trong quá trình đàm phán và soạn thảo về Hiệp ước liên quốc gia mới giữa Tehran và Moscow. Theo bà Maria Zakharova, tại cuộc điện đàm hôm 18/7, hai Ngoại trưởng đã thảo luận về kết quả hội nghị Đối thoại chiến lược giữa Nga với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).
Hai bên đã “tái khẳng định cam kết duy trì các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc, đặc biệt nhấn mạnh vào việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”, bà Maria Zakharova nhấn mạnh.
Thông báo của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện lo ngại trong quan hệ hai nước sau khi Tehran phản đối tuyên bố chung của Hội nghị cấp bộ trưởng Đối thoại chiến lược giữa Nga và GCC.
Sự bất đồng xoay quanh một điểm cụ thể trong tuyên bố chung, liên quan 3 hòn đảo nhỏ đang có tranh chấp tại vùng Vịnh là Abu Musa, Greater Tunbs và Lesser Tunbs. Phía Iran luôn coi 3 hòn đảo này thuộc chủ quyền của mình và không hài lòng với những lời giải thích mà Moscow đưa ra.
Trước đó, tại điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian bày tỏ bất ngờ trước nội dung trong tuyên bố chung trên và nhấn mạnh rằng 3 hòn đảo này vĩnh viễn thuộc chủ quyền của Iran.
Khẳng định nền độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Iran là “tuyệt đối không thể thương lượng”, ông Amir-Abdollahian lưu ý rằng mối quan hệ giữa Iran và Nga có “nền tảng vững chắc”, kêu gọi kiềm chế mọi hành động có thể gây tổn hại cho mối quan hệ sâu sắc này.
Hàng trăm người biểu tình xông vào Đại sứ quán Thụy Điển ở trung tâm thủ đô Baghdad, phóng hỏa để phản đối kế hoạch biểu tình và đốt kinh Koran ở Stockholm ngày 20/7. (Nguồn: AP) |
Trong một diễn biến khác, theo hãng thông tấn IRNA, Iran đã triệu Đại sứ Thụy Điển tại Tehran Mattias Lentz để truyền đạt thông điệp về “sự phản đối mạnh mẽ” của nước Cộng hòa Hồi giáo này về hành vi “báng bổ” kinh Koran tại thủ đô Stockholm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani nêu rõ, Tehran “cực lực lên án hành vi báng bổ tái diễn đối với kinh Koran và sự thiêng liêng của Hồi giáo tại Thụy Điển" và "quy trách nhiệm hoàn toàn cho chính phủ Thụy Điển về những hậu quả của việc kích động những người Hồi giáo trên thế giới”.
Ngày 28/6, một người biểu tình đã đốt một bản sao kinh Koran trước nhà thờ Hồi giáo lớn nhất tại thủ đô Stockholm, làm dấy lên những phản ứng giận dữ từ cộng đồng người Hồi giáo trên khắp thế giới.
Theo thông báo ngày 21/7, Bộ Ngoại giao Qatar đã triệu Đại sứ Thụy Điển tại nước này để gửi công hàm phản đối về vụ đốt kinh Koran nói trên. Doha sẽ yêu cầu giới chức Thụy Điển “thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn những hành vi đáng hổ thẹn như vậy”.