Các đập nước đang được dự định xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ ảnh hưởng đến các quốc gia ở hạ nguồn như Iraq. |
Istanbul: Lụt!
Các vùng ngoại ô Istanbul chìm ngập trong nước lụt đã trở thành tiêu điểm trên trang nhất trên các nhật báo của Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian qua. Tuy nhiên, hình ảnh những chiếc xe hơi giống như những chiếc thuyền và các con đường trở thành những dòng sông cũng không thể che giấu một vấn đề cấp bách cho chính phủ ở Ankara: tình trạng thiếu nước đang gia tăng.
Những trận mưa nặng hạt nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ trong 80 năm qua vào đầu tháng 9 đã ngụy trang cho một thực tế rằng mức tiêu thụ nước của mỗi quốc gia nửa Âu Á này đang gia tăng. Chính thực tế đó đang gây áp lực nặng nề lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên và làm căng thẳng các mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với quốc gia hay hạn hán - Iraq ở phía Nam. Quả thực, trong khi những cảnh phim về dòng nước đen sẫm bao trùm các đường phố lớn ở thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ được chiếu trên các kênh truyền hình hàng ngày, Iraq đang bước sang năm hạn hán thứ 4 liên tục.
Baghdad: Khát!
Ở cuối nguồn, Iraq không khỏi lo ngại rằng Syria và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dùng hết nguồn nước sạch trước khi nó chảy tới Iraq. Theo Tổ chức Nông lương Thế giới, năm 2009, Iraq có vụ mùa tồi tệ nhất trong thập kỷ qua, sản lượng chỉ bằng 1/3 mức trung bình hàng năm. Bởi thế, chính phủ ở Baghdad gây áp lực đối với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia láng giềng phía Bắc nhằm xả thêm nước của hai dòng Tigris and Euphrates đang dâng cao ở những vùng núi phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù đã có một thỏa thuận tạm thời về việc chia sẻ nguồn nước đạt được hôm 19/9 trong một cuộc họp hội đồng hợp tác chiến lược giữa hai bên ở Istanbul, vấn đề nước vẫn tiếp tục gây căng thẳng quan hệ song phương. Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ T.Yildiz cho biết, nước này sẽ bảo đảm tăng lượng nước cung cấp cho Iraq lên mức 550m3 nước/giây trong thời gian tới giúp Baghdad đối phó tình trạng hạn hán.
Istanbul - Baghdad: Nóng!
Tuy nhiên, để có một hiệp định lâu dài dường như còn xa vời. Nhưng theo Serpil Acikalin, một nhà nghiên cứu về Trung Đông ở Tổ chức nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở ở Ankara: "Thổ Nhĩ Kỳ không muốn có một hiệp định lâu dài về vấn đề nước".
40% lượng nước của Thổ Nhĩ Kỳ đến từ các nguồn nước ngoài biên giới. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng hợp tác quốc tế trong vấn đề nước đem lại nhiều lợi ích hơn xung đột. Tuy nhiên, theo Erkin Erdogan, điều phối viên dự án các vấn đề sinh thái thuộc Quỹ Heinrich Boll Foundation ở Istanbul: "Như tôi nhận thấy thì các cuộc đàm phán hiện vẫn chưa tiến hành. Xung đột với người Kurd ở phía Bắc Iraq vẫn đang tiếp diễn. Khả năng giải quyết vấn đề không dễ. Thổ Nhĩ Kỳ luôn muốn sử dụng tất cả những lợi thế của họ".
Vấn đề này chắc chắn không mới. Vào năm 1990, Tổng thống Saddam Hussein yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ tăng nguồn nước chảy qua Iraq 700 m3/ giây. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Yildirim Aktuna bác bỏ yêu cầu trên. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay lại thêm phần khẩn cấp. Iraq chịu thêm mùa hạn hán kéo dài khi lượng nước từ Thổ Nhĩ Kỳ chảy sang giảm. Bộ trưởng nguồn nước Iraq cho biết nguồn nước từ sông Euphrates chảy vào Iraq ở mức 360 m3/giây vào giữa tháng Tám, trong khi từ sống Tigris ở mức 100-160 m3/giây, đều thấp hơn mức 500 m3/giây mới đủ lượng nước đáp ứng cho sản xuất nông công nghiệp.
Bên cạnh đó, các dự án xây dựng các đập nước cũng đang xói mòn mối quan hệ đang dần được cải thiện trong khu vực thời gian gần đây. Hiện tại, các đập nước được dự định xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ ảnh hưởng đến các quốc gia ở hạ nguồn như Iraq và Syria. Một nhà phân tích cho rằng: "Một trong những vấn đề chính với đập Ilisu là vấn đề quyền bá chủ. Con đập này tạo cho Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng kiểm soát sông Tigris và tạo ra những ảnh hưởng xấu tới nước khác. Đó là cơ chế kiếm soát nguồn nước trong khu vực".
Vào năm 1980, khi Thổ Nhĩ Kỳ hoàn thành con đập đầu tiên trên sông Euphrates ở Keban thì Syria cũng hoàn thành con đập của họ ở Tabka. Cuộc chiến tranh gần như nổ ra giữa Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq khi Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã cố ngăn dòng chảy của sông Euphrate trong cùng một thời gian, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sử dụng nguồn nước của Iraq.
Nguyên Vy