📞

IS sắp tới ngày tàn

13:29 | 17/03/2017
Sau những bước tiến quân thần tốc trong vài ngày qua, quân đội Iraq đã giành được quyền kiểm soát phần lớn khu vực phía Tây thành phố Mosul, thành trì cuối cùng của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq.

Từ đầu tháng 3, quân đội chính phủ đã chiếm lại được một nửa thành phố và trụ sở chính quyền Mosul, cùng bảo tàng lưu giữ những cổ vật quan trọng nhất của thành phố này. Sân bay cũng đã được giải phóng vào tuần trước. Tất cả đường sá trong và ngoài thành phố Mosul – nơi ngự trị của “Vương quốc Hồi giáo” (caliphate), giờ gần như đã nằm trong tay của chính quyền.

Các binh sĩ Iraq tiến về giải phóng Mosul. (Nguồn: Reuters)

Trận chiến cuối cùng đầy khó khăn

Tại trung tâm chỉ huy chịu trách nhiệm khu vực phía Đông thành phố, nơi đã được giải phóng hồi tháng 12 năm ngoái, Thiếu tướng Qais Yaaqoub vui mừng nói: “Hiện tại IS gần như đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Quân đội tiến hành công kích rất nhanh. Chỉ trong vòng 1 đến 2 tuần, mọi thứ sẽ kết thúc”.

Những gì ông Yaaqoub nói có thể còn khá sớm, nhưng không hề phóng đại. Việc giải phóng phía Tây Mosul bắt đầu hồi tháng trước đã diễn ra nhanh hơn rất nhiều so với dự kiến. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa, trận chiến cuối cùng sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều. IS đang cố trụ lại tại những khu vực cổ nhất của thành phố, nơi đường sá nhỏ hẹp khiến việc di chuyển phương tiện trở nên khó khăn hơn, gia tăng nguy cơ bị phục kích cũng như số lượng dân thường bị thương vong. Mặc dù vậy, hàng chục ngàn người dân đã và đang được di chuyển tới nơi an toàn.

Các cố vấn quân sự của Mỹ phối hợp cùng quân đội Iraq ước tính, ít nhất khoảng 500 tay súng IS còn trụ lại trong thành phố, số còn lại đã chạy trốn hoặc bị tiêu diệt trong chiến dịch không kích. Bằng chứng có thể thấy rõ tại khu vực phía Đông Mosul, bờ bên trái của sông Tigris – nơi chia cắt hai nửa thành phố kể từ khi IS phá tan 5 cây cầu để rút quân.

Người dân chỉ vào một toà nhà từng bị các phiến quân thánh chiến chiếm được. “Đây từng là một trung tâm mua sắm, nhưng sau khi IS chiếm lấy, nó đã bị phá huỷ”, Muammar Yunnis, một giáo viên tiếng Anh kể lại. “Để đất nước được giải phóng thì không còn cách nào khác. Nhiều người đã phải chết, nhưng đó là những gì xảy ra trong chiến tranh. Dù sao thì chính phủ và Mỹ cũng đã nỗ lực để hạn chế điều này”.

Việc cần làm đầu tiên

Giờ đây, việc giải phóng thành phố khỏi tay của IS dường như không còn là phần khó khăn nữa. Theo những gì đang diễn ra ở phía Đông Mosul, vấn đề nằm ở quá trình tái thiết còn chậm chạp. Ba tháng sau khi được giải phóng, người dân nơi đây đang mất dần kiên nhẫn. Họ vẫn chưa có nước máy để dùng, và nguồn điện duy nhất là từ máy phát điện. Dược sĩ Muhammad Ahmed than thở: “Giờ thì chúng tôi đã được an toàn, nhưng lại không có dịch vụ để sử dụng. Nơi này hiện còn không có chính quyền cai quản”.

Cha và con gái cùng khóc trong khi chạy khỏi khu vực do IS kiểm soát tại Mosul để tới khu vực lính đặc nhiệm Iraq. (Nguồn: Reuters)

Lãnh đạo tỉnh đang hoạt động ở Erbil, cách Mosul vài giờ lái xe. Một phần đường đi đã bị IS phá nát nhưng vẫn chưa được sửa chữa. Thành phố hiện giờ chẳng còn gì ngoài một số trạm xá, trẻ em thì nhận được vài chiếc cặp sách do UNICEF ủng hộ. Chưa có tổ chức quốc tế nào tới đây. Chính quyền trung ương đã thất bại trong việc hỗ trợ khẩn cấp cho người dân, phó mặc trách nhiệm này cho quân đội và chính quyền địa phương.

Ahmed nhớ lại những ngày đầu IS chiếm được quyền kiểm soát tại Mosul, sự thực là những phần tử thánh chiến khá được lòng người dân nơi đây. Bởi lẽ, bộ máy chính quyền được bầu trước đó đã trở nên suy thoái và không còn đủ khả năng cung cấp cho người dân từ những nhu cầu thiết yếu nhất. Ông nhớ lại, hồi đó người dân chỉ được sử dụng điện 3 tiếng mỗi ngày. Kể từ khi IS chiếm được thành phố, đèn luôn được bật sáng, hoặc ít nhất là như vậy cho tới khi các cuộc không kích diễn ra. IS đã cho phát nổ nhà máy phát điện và trạm bơm nước chính của thành phố ngay trước khi Mosul được giải phóng.

Trẻ em đã trở lại trường học trong niềm hạnh phúc của bố mẹ, bởi họ đã phải giữ con mình ở nhà sau khi thành phố bị rơi vào tay IS, nếu không muốn bị bọn chúng bắt đi. Mặc dù các quán ăn và cửa hàng đã mở cửa trở lại, công việc kinh doanh vẫn diễn ra khá chậm chạp.

Muhammad Attar, chủ một nhà hàng falafel, giải thích nguyên nhân là do người dân không có tiền. Nhà nước chi phối nền kinh tế của Iraq và phần lớn những người có công việc ổn định đều làm cho chính phủ. Điều đáng ngạc nhiên là họ vẫn được trả lương trong vòng một năm sau khi IS chiếm được Mosul. Mặc dù vậy, hơn 1 năm nay, phần lớn người lao động trong thành phố đã không nhận được lương. Người dân chỉ còn biết sống nhờ vào trợ cấp và họ đang ngập trong nợ nần. Thời điểm này, đưa điện và nước trở lại cho người dân khi mùa Hè oi bức đang đến gần là việc đầu tiên mà chính phủ Iraq cần làm.

(theo The Economist)