Người Palestine vẫy cờ, đốt lốp xe dọc theo hàng rào biên giới giữa Israel và Gaza ngày 22/2. (Nguồn: AP) |
Theo nguồn tin từ Bộ Y tế Israel, cuộc đột kích nhằm vào thành phố Nablus tại Bờ Tây diễn ra vào ban ngày, trái với thông lệ.
Ngoài số người thiệt mạng, ít nhất 104 người khác bị thương, trong đó 6 người trong tình trạng nguy kịch.
Trong số những người thương vong có một số chỉ huy của Hamas, phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PJI) và một số nhóm vũ trang khác tại Bờ Tây.
Jihad đã lên tiếng xác nhận, 2 tư lệnh của nhóm này thiệt mạng trong cuộc đụng độ với IDF, trong khi nhóm dân quân Hang sư tử của Palestines cũng thông báo, các thành viên của nhóm đã đụng độ binh sĩ Israel nhưng không công bố thương vong.
Trong khi đó, IDF chỉ đưa ra tuyên bố “các lực lượng an ninh đang hoạt động tại phố Nablus” và sẽ cung cấp thêm chi tiết trong thời gian tới. Lực lượng quân sự này thường chỉ đưa ra phát ngôn đầy đủ sau khi kết thúc chiến dịch truy quét của mình.
Trước vụ việc này, người phát ngôn cánh quân sự của phong trào Hamas Abu Obeida cảnh báo, các phe phái ở Dải Gaza đang “mất kiên nhẫn” và đang theo dõi các hành động leo thang của Israel.
Trong khi đó, phong trào PJI cùng ngày cũng cảnh báo sẽ không từ bỏ quyền đáp trả những kẻ đột kích ở Nablus và “máu của người Palestine không hề rẻ”.
Người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng lên án cuộc đột kích và tuyên bố, Israel phải chịu trách nhiệm về tình trạng leo thang nguy hiểm đang đẩy khu vực đến nguy cơ căng thẳng có thể bùng phát thành xung đột.
Đại diện của Palestine tại Liên hợp quốc cũng lên tiếng yêu cầu Tổng thư ký tổ chức quốc tế này Antonio Guterres có hành động cụ thể sau vụ đột kích của Israel vào thành phố Nablus.
Cùng ngày, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell ra tuyên bố lên án cuộc đột kích, đồng thời bày tỏ lấy làm tiếc về cái chết của những người dân thường trong vụ việc.
Ông Borrell nhắc lại quan điểm rằng, hành động sử dụng vũ lực phải phù hợp, hoàn toàn tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và chỉ là phương sách cuối cùng khi không thể tránh khỏi nhằm bảo vệ tính mạng.
Bày tỏ quan ngại sâu sắc trước vòng xoáy bạo lực ở Bờ Tây, theo quan chức EU, điều quan trọng nhất là tất cả các bên phải cố gắng kiềm chế và xoa dịu căng thẳng để tránh thiệt hại thêm về người.
EU cũng ủng hộ mạnh mẽ Tuyên bố Chủ tịch được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua hôm 20/2 và kêu gọi tất cả các bên tuân thủ đầy đủ tuyên bố này.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Jordan cũng đã ra thông cáo chỉ trích cuộc đột kích trên, đồng thời kêu gọi Israel chấm dứt các hành động như vậy để “tránh làm tình hình xấu thêm” gây tổn hại đến triển vọng đạt được giải pháp hai nhà nước.