Một khu định cư Do Thái ở Bờ Tây. (Nguồn:AP) |
Động thái do chính phủ liên minh cực hữu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu thúc đẩy theo đề nghị của các chính trị gia ủng hộ mở rộng hoạt động định cư trên lãnh thổ chiếm đóng của người Palestine.
Trong bối cảnh quan hệ Israel-Palestine đang có chiều hướng gia tăng căng thẳng, động thái này có thể “bật đèn xanh” cho những người định cư Do Thái quay trở lại các khu định cư vốn bị bỏ hoang và điều này tất yếu sẽ dẫn đến nguy cơ căng thẳng trở lại.
Hầu hết, cộng đồng quốc tế đều coi hoạt động định cư của Israel trên phần đất chiếm đóng của người Palestine ở Bờ Tây là bất hợp pháp
Ngày 22/3, Văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã tìm cách trấn an mối quan ngại của quốc tế về động thái trên, đồng thời khẳng định: “Chính phủ không có ý định lập các cộng đồng dân cư mới ở các khu vực này”.
Năm 2005, Thủ tướng Israel khi đó Ariel Sharon đã quyết định rút các lực lượng vũ trang khỏi Dải Gaza và ra lệnh sơ tán các khu định cư của nước này ở khu vực trên, cùng 4 khu định cư khác ở phía Bắc Bờ Tây.
Những người dân bị buộc phải sơ tán sau đó được Israel hỗ trợ nhà ở để tái định cư, song do tốc độ tăng dân số và giá bất động sản tăng chóng mặt như hiện nay, nhiều người Israel vẫn muốn quay về các khu định cư cũ để giải quyết khó khăn về nhà ở.
Trong một động thái hiếm hoi, Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày đã triệu Đại sứ Israel tại Washington tới để bày tỏ quan ngại về động thái của Nhà nước Do Thái.
Trao đổi với báo giới sau cuộc gặp, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vendat Patel cáo buộc Israel đã vi phạm các cam kết với Washington khi bãi bỏ một phần của luật rút quân 2005.
Nhà ngoại giao cũng đánh giá, động thái này là "đặc biệt khiêu khích và phản tác dụng đối với những nỗ lực nhằm khôi phục không khí hòa bình trước thềm tháng lễ Ramadan, Lễ Vượt qua và Lễ Phục sinh".
Theo ông, cựu Thủ tướng Israel Ariel Sharon hồi năm 2004 đã hứa với Tổng thống Mỹ khi đó là George Bush rằng, ông sẽ sơ tán người dân của Nhà nước Do Thái khỏi 24 khu định cư ở Gaza và 4 khu định cư ở phía Bắc thành phố Samaria thuộc Bờ Tây.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và lên tiếng phản đối việc bãi bỏ đạo luật này.
Trong khi đó, cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) cũng lên tiếng cho rằng, việc Israel bãi bỏ luật rút quân 2005 đã đẩy lùi khả năng nối lại tiến trình hòa bình Trung Đông và "quyết định của Quốc hội Israel rõ ràng là một bước lùi".
EU coi các khu định cư là bất hợp pháp theo luật quốc tế, tạo thành "một trở ngại lớn cho hòa bình và đe dọa sự tồn tại của giải pháp hai nhà nước".
Trong một thông báo, văn phòng của Đại diện về an ninh và chính sách đối ngoại EU Josep Borrell nhận định, đạo luật nói trên ảnh hưởng tới các nỗ lực giảm căng thẳng và ngăn chặn khả năng triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin giữa Israel và Palestine.