Theo một nhà ngoại giao Mỹ cấp cao ở Tel Aviv, chiến lược của Nhà Trắng về vấn đề Israel – Palestine được hình thành dựa trên quan điểm bảo thủ khu vực. Ưu tiên hàng đầu của Washington là hạn chế năng lực vũ khí hạt nhân và tham vọng thống trị khu vực của Iran cùng Syria, Hezbollah và Hamas. Mỹ tìm kiếm một liên minh phi chính thức cùng chung lợi ích là Israel, Ai Cập, Jordan và Saudi Arabia. Tuy nhiên, các đối tác Arab đã nói rõ với Washington rằng hợp tác sẽ không thể tồn tại nếu không có những tiến bộ về vấn đề Palestine.
Mặt khác, liên minh với Israel được Nhà Trắng xem như nền tảng trong chiến lược chính sách đối ngoại và đối nội (đối với cộng đồng người Do Thái và cộng đồng Tin lành Mỹ). Nhà Trắng tin rằng việc dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem sẽ khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khó có thể từ chối ý tưởng của ông Trump.
Cô gái cầm cờ Palestine trước quân đội Israel trong cuộc đụng độ biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Jerusalem ở Ramallah ngày 7/3. (Nguồn: Reuters) |
Kế hoạch hòa bình này được cho là sẽ gần với lập trường của Israel hơn là lập trường của Palestine. Một giải pháp hai nhà nước sẽ được đề xuất theo cách mà Thủ tướng Netanyahu có thể chấp nhận. Nhà nước Palestine sẽ có chủ quyền hạn chế trên một nửa Bờ Tây và toàn bộ Dải Gaza, còn Israel sẽ chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh cho phần lớn Bờ Tây và đường biên giới.
Thung lũng Jordan sẽ thuộc thẩm quyền của Israel với sự có mặt của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF). Khu dân cư Đông Jerusalem của Palestine sẽ là một phần của nhà nước Palestine, còn khu Thành Cổ thì không, ngoại trừ quyền tiếp cận các nhà thờ Hồi giáo của Jordan. Kế hoạch có thể đề nghị người Palestine chọn khu phố Đông Jerusalem Abu Dis làm thủ đô của họ và Gaza sẽ là một phần của nhà nước Palestine nếu Hamas bị giải tán.
Ngoài ra, kế hoạch của Mỹ cho phép Israel được công nhận là quê hương của người Do Thái và Palestine, với chủ quyền hạn chế, sẽ là quê hương của người Palestine. Bên cạnh đó, Washington dự kiến sẽ hỗ trợ kinh tế cho Palestine và nước này sẽ được tham gia vào liên minh của Mỹ với Liên minh châu Âu (EU) và Saudi Arabia. Nước này cũng sẽ tiến hành bình thường hóa quan hệ với Israel và tham gia vào hợp tác chống khủng bố khu vực. Một thỏa thuận chi tiết sẽ được thương lượng và ký kết vào năm 2021.
Hiện Mỹ và Israel đang phối hợp chặt chẽ để đưa ra một kế hoạch cuối cùng. Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào, Thủ tướng Israel Netanyahu cũng sẽ đưa ra một thái độ tích cực đối với bản kế hoạch cuối cùng để bảo toàn liên minh với Mỹ.
Tuy nhiên, phía Palestine không quá mặn mà với ý tưởng này. Một quan chức cao cấp của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cho biết ông Abbas đã mất lòng tin vào vai trò trung gian của ông Trump. Ông đã từ chối tiếp xúc với quan chức Mỹ, cho rằng Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman đã không thay đổi được quyết định của ông Trump, đồng thời sẽ khuyến khích các đối tác Arab bác bỏ kế hoạch này. Thông điệp về kế hoạch hòa bình này đã được chuyển đến Thủ tướng Palestine Rami Hamdallah thông qua Ai Cập, Jordan và Saudi Arabia. Đây sẽ là thách thức không nhỏ đối với Washington trong việc tìm kiếm một thỏa thuận lịch sử giữa Israel và Palestine, nhằm tiếp tục duy trì lợi ích của xứ cờ hoa trong khu vực Trung Đông.