Một chiếc xe tăng của Israel bị phá hủy tại dải Gaza. (Nguồn: AP) |
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 7/10 ra tuyên bố cho biết nước này đang trong tình trạng "chiến tranh" chứ không phải trong tình trạng tiến hành chiến dịch, đồng thời cam kết quân địch sẽ phải “trả giá”.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cùng ngày cũng thông báo đã phát động chiến dịch “Kiếm sắt” để đáp trả cuộc tấn công bằng rocket của lực lượng Hamas từ dải Gaza.
Trước đó sáng sớm 7/10, Hamas tuyên bố đã bắn khoảng 5.000 quả rocket sang phía Israel. Người phát ngôn IDF Daniel Hagari cho biết hơn 2.200 quả rocket nhằm vào Israel kể từ 6h30 cùng ngày. Lực lượng Hamas phát động tấn công bằng cả 3 đường: trên bộ, trên biển và trên không.
Hiện giao tranh đang diễn ra giữa quân đội Israel và Hamas tại ít nhất 7 địa điểm. IDF dự kiến sẽ huy động thêm hàng chục nghìn quân nhân để tham gia đợt phản kích này.
Từ Palestine, hãng thông tấn chính thức WAFA dẫn lời Tổng thống Mahmoud Abbas cùng ngày 7/10 nhấn mạnh, người dân Palestine có quyền tự vệ trước "sự khủng bố của những người định cư và quân chiếm đóng".
Phát biểu trên được ông Abbas đưa ra tại một cuộc họp khẩn cấp với một số quan chức hàng đầu trong chính quyền Palestine được tổ chức ở Ramallah.
Trong diễn biến liên quan, phong trào Hồi giáo Hezbollah cho biết họ theo dõi sát diễn biến ở Dải Gaza và đang "liên lạc trực tiếp với ban lãnh đạo phong trào Hồi giáo Palestine Hamas".
Sau hàng loạt vụ bắn rocket vào Israel, Hezbollah nhấn mạnh rằng đó là "phản ứng kiên quyết trước việc Israel tiếp tục chiếm đóng và là thông điệp gửi tới những người đang tìm cách bình thường hóa quan hệ với Israel".
Binh sĩ Isarel tuần tra gần thành phố Tulkarm ở Bờ Tây sau xung đột với các tay súng ngườ Palestine ngày 5/10. (Nguồn: AFP) |
Nhiều nước đã lên tiếng bày tỏ phản ứng về những diễn biến mới nhất tại Trung Đông. Ai Cập cảnh báo "hậu quả nghiêm trọng" từ diễn biến leo thang giữa Israel và Palestine. Bộ Ngoại giao Ai Cập ra tuyên bố kêu gọi các bên "kiềm chế tối đa và trách để dân thường gặp nguy hiểm".
Trong khi đó, Anh và Đức "lên án mạnh mẽ" cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel, đồng thời tuyên bố sát cánh cùng Israel và người dân nước này.
Trên nền tảng truyền thông xã hội X cùng ngày, quyền Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares đã lên án cuộc tấn công từ dải Gaza nhằm vào Israel, khẳng định "thực sự sốc trước hành động bạo lực bừa bãi này".
Cũng trong ngày 7/10, Đại sứ quán Pháp tại Israel đã lên án các vụ tấn công của phong trào Hồi giáo Palestine Hamas nhằm vào Israel và khẳng định "sát cánh cùng Israel và người Israel".
Phát biểu với hãng Interfax, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov nói: “Chúng tôi hiện đang liên lạc với tất cả các bên. Với người Israel, người Palestine, người Arab... liên quan đến sự leo thang cuộc xung đột Israel-Palestine.... Tất nhiên, chúng tôi luôn kêu gọi kiềm chế”.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi Israel và Palestine "hành động hợp lý" và tránh tình trạng leo thang gia tăng.
Ông Erdogan, người ủng hộ mạnh mẽ sự nghiệp của người Palestine, tuyên bố: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên hành động hợp lý và tránh những bước đi bốc đồng làm gia tăng căng thẳng".
Lời kêu gọi này được đưa ra sau làn sóng tấn công bằng tên lửa và rocket của lực lượng Palestine từ Dải Gaza vào lãnh thổ Israel, khiến ít nhất 22 người Israel thiệt mạng và khoảng 545 người khác bị thương.