Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell. (Nguồn: Nestia) |
Tại hội nghị trực tuyến, các Ngoại trưởng châu Âu đã nhất trí EU sẽ bắt đầu đánh giá các dự án chung với Israel có khả năng bị ảnh hưởng do các bước đi đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế.
Các cuộc thảo luận đang được tiến hành liên quan đến tương lai Israel có được tham gia vào hàng loạt dự án hợp tác và tài trợ về giáo dục và khoa học, trong đó có dự án Horizon 2020 và sáng kiến trao đổi sinh viên Erasmus Plus.
Quyết định không cho Israel tham gia các dự án này không cần có sự đồng thuận của các nước thành viên EU. Chính vì vậy, một số quốc gia Trung và Đông Âu vốn thường hỗ trợ Israel bằng lá phiếu phủ quyết, chẳng hạn như Hungary và CH. Czech, sẽ không thể ngăn chặn quyết định này.
Bên cạnh đó, trong số nước thành viên EU thời gian gần đây ngày càng có nhiều tiếng nói ủng hộ trừng phạt nhằm ngăn chặn Israel sáp nhập bất cứ vùng lãnh thổ mới nào. Một số nước gồm Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Hà Lan, Thụy Sỹ, Ireland, Thụy Điển, Đan Mạch, Ba Lan, Bỉ và Luxembourg cho biết sẽ kêu gọi cứng rắn về vấn đề này.
Tuy nhiên, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell muốn chờ xem chính phủ mới của Israel sẽ hành động ra sao sau khi tuyên thệ nhậm chức. Ngoại trưởng Bulgaria đã đề nghị mời Ngoại trưởng chuẩn bị nhậm chức của Israel Gabi Ashkenazi tham gia hội nghị lần tới.
Cùng ngày, Quốc vương Jordan Abdullah II đã lên tiếng cảnh báo việc Israel thực hiện cam kết sáp nhập Thung lũng Jordan sẽ dẫn tới sự đối đầu "quy mô lớn".
Trả lời phỏng vấn với tờ Der Spiegel của Đức, Quốc vương Abdullah II cho rằng "Các nhà lãnh đạo, những người tin vào giải pháp một nhà nước, không hiểu điều đó có nghĩa là gì".
Theo ông Abdullah, nếu Chính quyền Palestine (PA) sụp đổ sẽ dẫn tới tình trạng hỗn loạn và chủ nghĩa cực đoan hơn nữa trong khu vực. Quốc vương Jordan nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước là "con đường duy nhất tiến lên phía trước" trong giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine.
Liên quan đến khả năng kế hoạch sáp nhập dẫn tới việc hủy bỏ hiệp ước hòa bình Israel-Jordan, Quốc vương Abdullah II cho hay, ông "không muốn đưa ra các lời đe dọa và gây ra tranh cãi, nhưng chúng tôi đang xem xét mọi lựa chọn".