📞

Israel tìm sách lược mới trước đối thủ cũ

Minh Vương 08:00 | 12/08/2021
Đợt phản công đêm 4/8 của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) nhắm vào Nam Lebanon cho thấy sự điều chỉnh về cách tiếp cận của người Do Thái với Hezbollah.
Các chuyên gia về chất nổ của Israel thu thập các mảnh của tên lửa bắn từ Lebanon để tiến hành điều tra. (Nguồn: Reuters)

Đây là đợt không kích lớn nhất kể từ cuộc chiến Lebanon lần thứ hai hồi năm 2006 nhằm trả đũa ba tên lửa tấn công vào thành phố Kiryat Shmona ở miền Bắc Israel.

Sau đợt không kích, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã bắn khoảng 100 quả đạn pháo, đồng thời cảnh báo rằng “các đợt phản công sẽ tiếp diễn và thậm chí có hỏa lực mạnh hơn nhằm đáp trả các hành động khủng bố chống lại nhà nước và người dân Israel”.

Tuy nhiên, câu chuyện này cho thấy nhiều điểm lạ trong quan điểm và hành xử của Israel.

Bài kiểm tra

Trong 15 năm kể từ sau cuộc chiến, các lực lượng quân sự từ Palestine tại miền Nam Lebanon đã triển khai một số đợt tấn công bằng tên lửa nhắm vào Israel. Tuy nhiên, chỉ trong ba tháng qua, đã có tới năm đợt tấn công bằng tên lửa như vậy.

Song Hezbollah, vốn toàn quyền kiểm soát miền Nam Lebanon lại không liên quan trực tiếp đến đợt tấn công gần đây. Dù không nêu đích danh, giới chức quốc phòng Israel cho rằng các lực lượng Palestine tại khu vực này đứng sau vụ tấn công trên.

Cần nhớ rằng, Hezbollah là lực lượng ủy nhiệm lớn nhất và mạnh nhất của Iran. Vậy làm cách nào mà nhóm phiến quân Palestine lại có thể qua mắt của tổ chức quân sự này?

Do đó, không loại trừ khả năng Hezbollah đã ngầm cho phép triển khai đợt tấn công. Một giả thuyết khác là tình hình hỗn loạn hiện nay ở Lebanon đã tạo điều kiện cho lực lượng của Palestine, cũng như nhóm phiến quân khác có thể làm bất cứ điều gì họ muốn.

Tuy nhiên, mục tiêu chung của các lực lượng này đều nhằm thử phản ứng của chính quyền Thủ tướng Naftali Bennett, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel từng kêu gọi Israel đẩy mạnh chiến dịch “chiến tranh giữa các cuộc chiến tranh” chống Iran và Hezbollah.

Thái độ lạ

Thú vị hơn là thái độ của Israel. Nhà nước Do Thái khẳng định dù ai đứng sau vụ tấn công, Lebanon đều phải chịu trách nhiệm. IDF khẳng định: “Chúng tôi sẽ không cho phép các cuộc tấn công bằng tên lửa... bất cứ ai và bất kể vì lý do gì. Chính phủ Lebanon phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về mọi hành động gây hấn xuất phát từ lãnh thổ nước này”.

Với bốn đợt tấn công trước đó, IDF đã phản ứng thận trọng khi chỉ sử dụng đạn pháo nhắm vào khu vực biên giới. Việc này tương tự như cách mà IDF đã đối phó với lực lượng Hamas ở Dải Gaza, khi họ cố tránh đối đầu với nhóm khủng bố kiểm soát khu vực này.

Tuy nhiên, chiến dịch không kích rạng sáng ngày 5/8 không chỉ là thông điệp gửi tới Hezbollah, mà còn cho các lực lượng Palestine chịu trách nhiệm trong cuộc tấn công. Israel sẽ không để vùng biên giới phía Bắc nước này trở thành một khu vực giống như Dải Gaza - nơi Hamas đã phóng hàng nghìn tên lửa mà hầu như không bị trừng phạt.

Song tính đến thời điểm hiện tại, Israel chỉ tiến hành đáp trả khi cần thiết và chưa thực hiện tấn công phủ đầu nhằm vào lực lượng khủng bố này. Nước này ý thức về nguy cơ bùng nổ của chiến tranh tổng lực, không chỉ ở phía Bắc mà trên tất cả mặt trận.

Cuộc chiến hồi tháng Năm là ví dụ như vậy. Bất chấp tuyên bố cứng rắn từ chính giới Israel, cùng căng thẳng xung quanh các đợt tấn công từ Hamas lẫn mối đe dọa từ kho vũ khí do Hezbollah sở hữu, Israel vẫn đề nghị viện trợ cho Lebanon. Bởi khi tình hình Lebanon được cải thiện, Hezbollah và các nhóm phiến quân mới sẽ mất dần chỗ đứng.

Israel sẽ không để biên giới phía Bắc nước này trở thành một khu vực như Dải Gaza - nơi Hamas đã phóng hàng nghìn tên lửa mà không bị trừng phạt.

Thận trọng là cần thiết

Tuy nhiên, kịch bản này khó diễn ra trong tương lai gần.

Đầu tháng Tám, Lebanon đã đánh dấu thời điểm một năm xảy ra vụ nổ thảm khốc khiến 200 người thiệt mạng. Beirut, vốn chìm trong bế tắc chính trị nhiều thập niên, đang ngày càng lún sâu hơn vào khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội. Hơn một nửa dân số Lebanon hiện sống dưới mức nghèo khổ và không có đủ tiền để mua các nhu yếu phẩm, trong đó gồm lương thực hay thuốc men.

Bạo lực đã trở thành vấn nạn thường gặp tại nhiều nơi ở quốc gia Trung Đông này. Ngày 4/8, khi hàng nghìn người tham gia tuần hành ở Beirut để tưởng niệm ngày xảy ra thảm họa trên, lực lượng an ninh đã phải sử dụng hơi cay để giải tán một nhóm người đang tiến về phía tòa nhà Quốc hội.

Trước tình cảnh ở Lebanon, Israel rõ ràng đã bất ngờ trước đòn tấn công từ bên kia biên giới. Tuy nhiên, sau khoảnh khắc ban đầu, IDF giờ đây đã sẵn sàng cho kịch bản tương tự, tránh kích động làn sóng bạo lực mới. Đây là cách tiếp cận thận trọng song cần thiết, bởi dù Lebanon có đang khủng hoảng, Hezbollah và kho vũ khí của lực lượng này vẫn là lo ngại hàng đầu của Israel.