Các nhà ngoại giao các nước Arab và Israel tham dự cuộc gặp lần đầu tiên tại khu định cư Sde Boker ở sa mạc Negev của Nhà nước Do Thái hồi tháng 3. (Nguồn: AP) |
Cuộc họp diễn ra tại thủ đô Manama của Bahrain, 3 tháng sau khi các bên cam kết tăng cường hợp tác tại một cuộc họp then chốt ở Israel.
Thành phần tham dự của các nước Arab sẽ bao gồm các quan chức ngoại giao từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Morocco - những quốc gia đã bình thường hóa quan hệ với Nhà nước Do Thái vào năm 2020 - và Ai Cập, vốn đã làm hòa với Israel vào năm 1979.
Bộ Ngoại giao Israel tuyên bố: “Cuộc gặp ngày 27/6 cũng sẽ là một cột mốc quan trọng trước chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Trung Đông”.
Vào tháng 3, các quan chức ngoại giao đã gặp nhau lần đầu tiên trên đất Israel, tại khu định cư Sde Boker ở sa mạc Negev, trong đó Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tham gia cùng những người đồng cấp.
UAE và Bahrain đã củng cố quan hệ với Israel theo Hiệp định Abraham, do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump làm trung gian. Morocco sau đó thiết lập lại quan hệ với Israel theo một thỏa thuận riêng, cũng do ông Trump đứng giữa.
Hiệp định Abraham đã khiến người Palestine nổi giận, họ coi đây là hành động phản bội đối với sự đồng thuận kéo dài hàng thập kỷ của thế giới Arab nhằm cô lập Israel cho đến khi nước này đồng ý thành lập một nhà nước Palestine, với thủ đô ở Đông Jerusalem.
Washington bày tỏ mong muốn cuộc họp diễn ra thường niên và có sự tham gia của Palestine và Jordan - một quốc gia Arab khác công nhận Israel, nhưng đã hứng chịu ngày càng nhiều chỉ trích về tình trạng của Jerusalem.
Ngoại trưởng Blinken đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ Hiệp định Abraham, song cảnh báo tại cuộc họp Negev rằng, họ không thể thay thế tiến trình xây dựng hòa bình giữa Israel và Palestine.
Các cuộc họp nhằm làm sâu sắc hơn hợp tác trên những lĩnh vực bao gồm nước, du lịch, y tế, năng lượng, an ninh lương thực và an ninh khu vực.