Tổng thống Cộng hòa Italy, Ngài Sergio Mattarella đã có chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam vào tháng 11/2015, bà có ấn tượng như thế nào về chuyến thăm cũng như về Việt Nam?
Bà Emanuela D’Alessandro: Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mattarella đến Việt Nam năm ngoái là chuyến công du đầu tiên của ông tới châu Á và ra bên ngoài khu vực châu Âu – Địa Trung Hải.
Thực sự, chuyến thăm này đã chứng tỏ tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á trên thế giới ngày nay. Đất nước và người dân của các bạn đã chào đón Tổng thống Mattarella với sự nồng ấm và mến khách đặc biệt. Sự đón tiếp nồng hậu này đã nhấn mạnh nhiều điểm tương đồng mà hai quốc gia và hai dân tộc chúng ta cùng chia sẻ, bất chấp khoảng cách về địa lý. Các quan hệ đặc biệt kết nối tất cả các thành tố xã hội và người dân hai nước chúng ta đã thực sự chỉ rõ tính chất của chuyến thăm đồng thời góp phần vào sự thành công nổi bật và mang tính lịch sử của chuyến thăm. Thành công đó đã vượt ra ngoài ý nghĩa chính trị và trọng tâm kinh tế của chuyến thăm.
Bà Emanuela D’Alessandro - Cố vấn Ngoại giao của Tổng thống Italy Sergio Mattarella. (Nguồn: Corriere) |
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mattarella với các sinh viên Khoa tiếng Italy của trường Đại học Hà Nội tại Văn Miếu đã thể hiện rõ tinh thần của chuyến thăm: Đưa các thế hệ trẻ của chúng ta xích lại gần nhau hơn và xây dựng nhận thức về tiềm năng đặc biệt của hai nước trong một thế giới đang thay đổi ngày càng nhanh chóng; Thừa nhận sự đa dạng của chúng ta, thúc đẩy và xây dựng những điểm tương đồng của chúng ta, tăng cường chương trình nghị sự hợp tác toàn diện dựa trên sự hiểu biết và các thông lệ chung tốt nhất, hợp tác cùng nhau như những đối tác vì sự tăng trưởng bền vững thực sự.
Đây là những thông điệp chủ đạo mà Tổng thống của chúng tôi đã tập trung nhấn mạnh và chia sẻ với những người bạn Việt Nam trong suốt chuyến thăm của ông. Phạm vi các lĩnh vực hợp tác đặc biệt rộng lớn được đề cập cũng như chương trình hoạt động rất đa dạng của chuyến thăm đã minh chứng cho điều này. Thông điệp không thể rõ ràng hơn. Việt Nam là mấu chốt của sự ổn định, một nền kinh tế đang tăng trưởng, một cánh cửa rộng mở đối với khu vực láng giềng rộng lớn, một xã hội sôi động mà Italy có ý định phát triển một mối quan hệ mạnh mẽ, hiệu quả và hữu ích hơn.
Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đại Quang sẽ thăm chính thức cấp nhà nước đến Italy từ ngày 21 – 24/11, bà đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của chuyến thăm này?
Chuyến thăm Italy của Chủ tịch nước Trần Đại Quang thể hiện dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ song phương nổi bật của chúng ta và khẳng định những cam kết sâu sắc của hai bên trong việc tăng cường quan hệ song phương.
Sự gia tăng về số lượng các chuyến viếng thăm lẫn nhau minh chứng cho điều này. Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Ngài Nguyễn Phú Trọng đã thăm Italy vào năm 2013, trong khi Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du châu Á vào năm 2014. Trong những tháng gần đây, các Bộ trưởng Hạ tầng và Giao thông vận tải và Bộ trưởng Tư pháp của Italy đã đến thăm Việt Nam.
Các doanh nghiệp Italy đang hoạt động ở Việt Nam như Piaggio, Ariston… đều là doanh nghiệp sản xuất. (Nguồn: Piaggio Vietnam) |
Những cuộc tiếp xúc cấp cao này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chúng làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau của chúng ta, thiết lập khuôn khổ chính thức nhằm tạo động lực hơn nữa cho sự hợp tác song phương và mở ra các cơ hội mới cho các cuộc tiếp xúc ở tất cả các cấp của xã hội. Có ba sự kiện quan trọng sẽ diễn ra trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, đó là cuộc họp của Ủy ban hỗn hợp về kinh tế, cuộc họp của Ủy ban hỗn hợp về khoa học và Diễn đàn Doanh nghiệp với sự tham gia của nhiều công ty lớn. Điều này sẽ góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ song phương trong các lĩnh vực kinh tế và khoa học vốn rất quan trọng.
Italy có vai trò quan trọng ở châu Âu và trên thế giới, và đã thực hiện một chính sách đối ngoại năng động, Việt Nam nằm ở vị trí nào trong chính sách này?
Việt Nam là một đối tác chiến lược, một động lực cho sự phát triển của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, một cường quốc khu vực ổn định và tăng trưởng nhanh chóng và là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Italy coi Việt Nam là nhân tố then chốt trong một khu vực quan trọng mang tính sống còn đối với thương mại thế giới và an ninh quốc tế, một khu vực có sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Tóm lại, Việt Nam là một lực lượng quan trọng cần phải tính đến và lực lượng này sẽ định hình sự phát triển của khu vực trong tương lai gần.
Da giày là một trong những nội dung hợp tác mà Việt Nam và Italy thúc đẩy. (Nguồn: DNSG) |
Không có gì là ngạc nhiên khi Italy và châu Âu đều tin tưởng rằng việc có quan hệ mạnh mẽ với Việt Nam là điều thiết yếu. Chúng tôi trước sau như một sẽ nỗ lực để phát triển hơn nữa mối quan hệ như thế, khai phá tiềm năng to lớn của nó, và thúc đẩy các quan hệ kinh tế vốn gần đây đã có bước phát triển vượt bậc chưa từng có vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Việt Nam là đối tác thương mại đầu tiên của Italy trong số các nước ASEAN và là một thị trường quan trọng cho các doanh nghiệp Italy, đồng thời là một điểm đến thu hút ngày càng đông du khách Italy. Hợp tác song phương đã được mở rộng và phát triển lmột cách tốt đẹp đối với những lĩnh vực mới như quốc phòng và tư pháp.
Hơn nữa, với tư cách là những thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và các tổ chức khu vực – ASEAN và EU – chúng ta cũng chia sẻ một cách tiếp cận chung và hợp tác ngày càng tăng về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Tôi chắc chắn rằng hai nước chúng ta sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc.
Đây là những thực tế chứng minh một cách vững chắc mối quan hệ thực sự năng động và hiệu quả mà tôi tin tưởng rằng sẽ là hình mẫu cho châu Âu và châu Á.
Trong năm 2016, Việt Nam và Italy đã kỷ niệm 43 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 3 năm ngày thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Bà đánh giá thế nào về mối quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực trong những năm qua?
Quan hệ song phương giữa hai nước chúng ta đã liên tục được mở rộng trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời Kế hoạch Hành động 2013 – 2014 và Kế hoạch Hành động 2015 – 2016 để triển khai Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược đã đạt được những thành công to lớn. Hiện chúng ta đang trong quá trình hoàn tất Kế hoạch Hành động 2017 – 2018.
Đoàn Bộ Công Thương Việt Nam do Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa dẫn đầu tham quan một chuỗi sêu thị phân phối ở Italy, tháng 5/2016. (Nguồn: MOIT) |
Kim ngạch thương mại song phương đã tăng gấp đôi trong 3 đến 4 năm qua, đạt mức 3,8 tỷ euro trong năm 2015. Số lượng công ty Italy hoạt động thành công ở Việt Nam ngày càng tăng, thông qua việc thực hiện đầu tư, chuyển giao công nghệ và góp phần vào các dự án hạ tầng lớn. Việc thành lập các công ty liên doanh sẽ được hỗ trợ hơn nữa nhờ khoản cho vay ưu đãi dành cho hợp tác từ phía Italy. Hợp tác về văn hóa và khoa học đã gia tăng đáng kể theo khuôn khổ của hiệp định song phương và theo các nghị định thư cụ thể: Các trường đại học của Italy và Việt Nam đã ký gần 100 thỏa thuận hợp tác; niềm đam mê chung đối với văn hóa và các giá trị truyền thống của chúng ta là nền tảng vững chắc để tăng cường các sáng kiến hợp tác và các sự kiện trong những lĩnh vực này. Chúng tôi hoan nghênh sự quan tâm của giới trẻ Việt Nam đối với văn hóa và ngôn ngữ Italy, được minh chứng với số lượng ngày càng tăng về các khóa học tiếng Italy tại các trường đại học của Việt Nam, trong đó có Khoa tiếng Italy tại Đại học Hà Nội. Tôi thực sự tin tưởng rằng mức độ hợp tác của chúng ta là độc đáo và nổi bật.
Vì vậy, chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác cùng nhau để đảm bảo rằng những kết quả thực sự ấn tượng đạt được trong những năm qua là cơ sở cho việc xây dựng một mối quan hệ mạnh mẽ hơn bao giờ hết, một mối quan hệ chiến lược đích thực.o
Bà có thể cho biết những lĩnh vực nòng cốt mà hai nước sẽ tập trung để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trong thời gian tới? Và hai nước nên cải thiện những gì để thúc đẩy và phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược trong những năm tới, đặc biệt là về hợp tác kinh tế và thương mại?
Chúng ta chắc chắn sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ song phương và làm sâu sắc sự hợp tác trên tất cả các lĩnh vực trong khuôn khổ Kế hoạch Hành động 2017 – 2018.
Chúng tôi mong muốn tăng cường hơn nữa trao đổi thương mại song phương theo hướng cân bằng nhằm đảm bảo lợi ích của cả hai bên và nhằm khuyến khích thêm nhiều công ty Italy đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Về điểm này, các chính sách của Việt Nam sẽ rất quan trọng nhằm khuyến khích các nhà đầu tư Italy. Hơn nữa, Hiệp định Thương mại tự do sắp tới giữa EU và Việt Nam sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho quan hệ đối tác kinh tế của chúng ta. Chúng tôi hy vọng sẽ tăng cường sự hiện diện của chúng tôi trong lĩnh vực hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng đô thị và đường sắt, để những công nghệ vượt trội của Italy cũng có thể đóng góp vào sự tăng trưởng của Việt Nam. Chúng tôi sẽ hợp tác để mở rộng hơn nữa các quan hệ về văn hóa và khoa học theo các nghị định thư mới.
Chúng tôi cũng mong muốn tăng cường cuộc đối thoại gần đây giữa hai nước về quốc phòng, tư pháp và các vấn đề toàn cầu. Sự hỗ trợ lẫn nhau của chúng ta trong việc ứng cử trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ là một nền tảng tốt để trao đổi kinh nghiệm và tìm tiếng nói chung về những vấn đề toàn cầu đang ngày càng gia tăng. Cuối cùng, chúng tôi tin tưởng rằng cả Italy và Việt Nam, với tư cách là những nước ủng hộ quan trọng sự hợp tác và hội nhập khu vực, có thể hợp tác cùng nhau để thúc đẩy quan hệ hợp tác EU – ASEAN trên mọi lĩnh vực, trong đó có các diễn đàn an ninh khu vực.
Xin cảm ơn bà!