Cử tri Mỹ tham gia bầu cử Tổng thống năm 2020. Đảng Dân chủ Mỹ đang cố gắng thúc đẩy dự luật nhằm cải cách sâu rộng cuộc bầu cử ở nước này. (Nguồn: AFP) |
Với tỉ lệ phiếu 50-50, đạo luật "Vì nhân dân" nhằm đại tu các cuộc bầu cử liên bang đã không đạt được 60 phiếu ủng hộ cần thiết để được thông qua.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra với sự chủ trì của Phó Tổng thống Kamala Harris sau nhiều tranh cãi căng thẳng giữa hai đảng về việc thay đổi luật bỏ phiếu quốc gia sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 mà cựu Tổng thống Trump cáo buộc có gian lận.
Hồi đầu tháng 3, Hạ viện Mỹ, nơi đảng Dân chủ chiếm đa số, đã thông qua dự luật này, dù tất cả thành viên đảng Cộng hòa đều phản đối.
Chính phủ của Tổng thống Joe Biden, vốn thúc đẩy mạnh mẽ dự luật này, từng cho rằng, dự luật là “khẩn thiết để bảo vệ quyền bỏ phiếu và tính liêm chính của các cuộc bầu cử của chúng ta, đồng thời sửa chữa và củng cố nền dân chủ của Mỹ”.
Dự luật gây tranh cãi này dài 715 trang này đặt ra các tiêu chuẩn bỏ phiếu quốc gia, thay đổi thành phần của Ủy ban Bầu cử Liên bang, bổ sung các hạn chế đối với việc phân chia lại Quốc hội, cải cách tài chính chiến dịch tranh cử và đề ra những quy tắc đạo đức mới cho Tổng thống và Phó Tổng thống.
Về áp đặt các quy tắc tài chính mới cho chiến dịch tranh cử, dự luật bao gồm cả yêu cầu tiết lộ thêm về các nhà tài trợ chiến dịch tranh cử và các tuyên bố từ chối trách nhiệm về quảng cáo chính trị.
Dự luật cũng thiết lập một “Quỹ Không chịu Ảnh hưởng” tùy chọn mới cho các chiến dịch tranh cử vào Quốc hội để khuyến khích các khoản tiền quyên góp nhỏ, đồng thời tạo ra những hạn chế mới về quyền tự do ngôn luận trong các chiến dịch tranh cử.
Trong số nhiều điều khoản liên quan đến bỏ phiếu, dự luật buộc các tiểu bang phải thực hiện bỏ phiếu sớm tối thiểu 15 ngày, cung cấp lựa chọn phiếu bầu qua thư, tạo điều kiện cho cử tri đăng ký trực tuyến, và cho phép bỏ phiếu khiếm diện không lý do.
Theo dự luật, đối với các lá phiếu gửi qua thư, các tiểu bang phải kiểm đếm nếu chúng được nhận trong vòng 10 ngày sau Ngày Bầu cử.