📞

Kenya đối diện với khủng bố

14:47 | 09/04/2015
Việc Al-Shabaab liên tục tấn công tại Kenya cho thấy bản chất nguy hiểm của tổ chức khủng bố này cũng như tính dễ tổn thương của Kenya.

Tuần qua, vụ tấn công khủng bố tại một trường đại học ở Kenya đã khiến cả thế giới phẫn nộ. Bốn tay súng thuộc nhóm chiến binh Hồi giáo Al-Shabaab có nguồn gốc từ Somalia đã xông vào trường Đại học Garissa gần biên giới với Kenya, sát hại ít nhất 148 người, đa phần là các sinh viên không theo Hồi giáo.

Al-Shabaab là ai?

Al-Shabaab là một nhóm nổi dậy Hồi giáo trong cuộc nội chiến Somalia. Cho đến nay, quy mô của Al-Shabaab vẫn chưa được xác định rõ ràng song ước tính vào khoảng vài nghìn tay súng. Nhóm này cũng có mối thâm giao với nhiều nhóm khủng bố khác. Tháng 2/2012, người đứng đầu Al-Shabaab, Ahmed Abdi aw-Mohamed và lãnh đạo Al-Qaeda, Ayman al-Zawahiri, đã cùng xuất hiện trong một đoạn video để tuyên bố về “tình đồng minh” của hai tổ chức.

CNN cho hay, Al-Shabaab cũng bắt tay xây dựng nhà nước, cung cấp các dịch vụ cơ bản cho người dân. Theo đó, Al-Shabaab duy trì hệ thống truyền thông bao gồm mạng xã hội Twitter hết sức tinh vi. Năm 2009, tổ chức này còn sản xuất hẳn một chương trình truyền hình thực tế nhằm kêu gọi người trẻ tuổi gia nhập nhóm.

Về tài chính, ngoài việc nhận tài trợ của Al-Qaeda, Al-Shabaab còn có thu nhập từ một loạt hoạt động bất hợp pháp khác. Báo cáo từ tổ chức Giám sát Somalia và các quốc gia Bắc Phi của Liên hợp quốc cho hay, trong năm 2011, Al-Shabaab thu về từ 70-100 triệu USD nhờ lệ phí thu ở sân bay và bến cảng; các loại thuế áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ và hoạt động sản xuất; khoản đóng góp thánh chiến; phí thu tại trạm kiểm soát và hình thức tống tiền giả danh khoản đóng góp vì nghĩa vụ tôn giáo…

Tuy nhiên gần đây, nhóm phiến quân đang bị lực lượng quân sự của Liên minh châu Phi (AU) trấn áp mạnh mẽ và đánh bật ra khỏi nhiều khu vực ở Somalia. Trong khi đó, thủ lĩnh tối cao của Al-Shabaab là Ahmed Abdi Godane đã thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ hồi năm ngoái. Số lượng tay súng Al-Shabaab đã giảm từ 7.000 xuống còn 3.000. Trong cuộc chiến ở Mogadishu năm 2010, Al-Shabaab thiệt hại hàng trăm tay súng. Hàng trăm kẻ khác đào ngũ.

Chống khủng bố cần giải pháp căn cơ

Là một trong những quốc gia thuộc khu vực Đông Phi nghèo nhất thế giới, lịch sử Kenya từng đối mặt với nội chiến tàn khốc kéo dài suốt hai thập kỷ. Cùng với đó, sự tàn phá của thiên tai, nghèo đói, dịch bệnh như HIV/AIDS đã đẩy cuộc sống của nhiều người dân Kenya xuống mức nghèo khổ, nền kinh tế hết sức khó khăn.

Trước vụ tấn công dã man của những kẻ theo chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan hôm 2/4, Tổng thống Uhuru Kenyatta đã ra lời kêu gọi trong nước mắt. Ông kêu gọi người dân nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc Kenya để giúp xoa dịu nỗi đau mất mát của gia đình nạn nhân, giúp Kenya bảo vệ nền hòa bình và ổn định đất nước, đồng thời nêu quyết tâm trừng trị kẻ khủng bố.

Hiện nay, do lãnh thổ kiểm soát bị thu hẹp, Al-Shabaab đang thay đổi chiến thuật. Không cần đến bom, các tay súng nhóm này chỉ dùng súng để tấn công các mục tiêu đông thường dân tại Kenya, chủ yếu nhắm vào người Thiên Chúa giáo. Năm 2013, trong cuộc tấn công siêu thị Westgate ở Nairobi, các tay súng Al-Shabaab đã tha cho người Hồi giáo và thảm sát người không theo đạo Hồi. Còn trong vụ tấn công vào trường đại học Garissa vừa qua, chúng xả súng vào bất kỳ ai không thể đọc thuộc kinh Koran. Al-Shabaab cũng lựa chọn rất kỹ mục tiêu tấn công: Trung tâm mua sắm Westgate là biểu tượng của sự giàu sang tại Nairobi còn Đại học Garissa là nơi tập trung rất nhiều sinh viên không theo đạo Hồi, con nhà khá giả.

Nhiều chuyên gia về khủng bố nhận định, Al-Shabaab tập trung tàn sát thường dân một cách tàn bạo để tăng uy tín nhằm thu hút thanh niên cực đoan, tương tự chiến thuật của IS. Các nhà quan sát cho biết với chiến lược này, Al-Shabaab đang thu hút được nhiều phần tử cực đoan ở Kenya, Tanzania, Uganda và Djibouti…

Thực tế cho thấy, cuộc chiến chống khủng bố trên thế giới, trong đó có những nhóm như Al-Shabaab sẽ rất khó khăn và nếu chỉ dùng sức mạnh quân sự sẽ không thể tiêu diệt hoàn toàn được chúng. Chủ nghĩa khủng bố sinh ra từ đói nghèo, bất công, bất bình đẳng và những tư tưởng cực đoan. Chính vì vậy, giải quyết triệt để mâu thuẫn trên, đặc biệt là tạo lập một trật tự thế giới bình đẳng hơn, chống sự áp đặt và tạo những cơ hội đồng đều cho người dân các nước mới là giải pháp căn cơ nhằm xóa bỏ tận gốc chủ nghĩa khủng bố trên toàn cầu.

Ngọc Hùng