📞

Kết nối doanh nghiệp kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp

Gia Phú 22:22 | 14/02/2022
Tối ngày 14/2, Diễn đàn ‘Kết nối doanh nghiệp kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp’ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Đây là Diễn đàn đầu tiên của ngành nông nghiệp với hơn 200 kiều bào trong và ngoài thuộc nhiều lĩnh vực cùng hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. (Ảnh: Anh Sơn)

Sự kiện có sự tham dự của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan; Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam; Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; lãnh đạo các cục, vụ có liên quan của Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; đại diện các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài; các Sở Nông nghiệp, các hiệp hội doanh nhân kiều bào, các hội trí thức kiều bào...

Cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển mình theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ngành nông nghiệp đang tập trung phát triển các chuỗi giá trị nông sản, các chủ thể trong sản xuất để kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu.

Với sự nỗ lực của toàn hệ thống, ngành nông nghiệp liên tục tăng trưởng và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản liên tục tăng cao từ 4,2 tỷ USD năm 2000 tăng lên 48,6 tỷ USD vào năm 2021. Hàng hoá nông lâm thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu đi trên 180 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Năm 2021 là năm vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, có những thời điểm, chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản tại nhiều tỉnh, thành phía Nam đã bị gián đoạn do giãn cách. Tuy nhiên, toàn ngành vẫn vượt khó, đảm bảo cung ứng thực phẩm trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, đạt thặng dư thương mại lên đến 6,44 tỷ USD.

Để đạt được những thành tựu trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định, bên cạnh nỗ lực của toàn ngành, mỗi bà con kiều bào đã và đang trở thành cầu nối quan trọng giới thiệu với bạn bè thế giới các sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng như đưa đầu tư nước ngoài vào trong nước.

Từ những trung tâm thương mại lớn của người Việt ở nước ngoài như: Incentra ở Moscow (Nga), Đồng Xuân ở Berlin (Đức), Sapa ở Czech, ASEAN Garden Mall tại Hoa Kỳ, Thanh Bình Jeune tại Pháp, chợ Bến Thành tại Australia đến những cửa hàng, siêu thị, quán ăn, quán cà phê… dù nhỏ hay to của kiều bào ở nước ngoài đều thể hiện tâm của người Việt đưa sản phẩm đi khắp bốn phương.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn. (Ảnh: Anh Sơn)

Đóng góp của kiều bào còn phải kể đến tri thức và kinh nghiệm quý báu đang giúp ngành nông nghiệp chuyển mình thông qua chia sẻ và đưa nhưng công nghệ mới, mô hình sản xuất tiên tiến vào sản xuất như nuôi tôm công nghệ cao, phân bón thông minh, bao bì bảo quản nông sản đa lớp...

Thay mặt cho Bộ, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cảm ơn sự hỗ trợ và đồng hành của bà con kiều bào với ngành nông nghiệp trong thời gian qua. Đồng thời mong bà con tiếp tục làm cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt, Thứ trưởng mong bà con giúp thúc đẩy kết nối sản phẩm OCOP theo Chương trình quốc gia Mỗi làng một sản phẩm của Việt Nam. Bà con cũng là kênh truyền tải tri thức, công nghệ và huy động nguồn lực tài chính, đưa nông nghiệp Việt Nam thành cường quốc nông nghiệp, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến và là Trung tâm chế biến, logistics trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu…

Từ đó, sẽ giúp đưa ngành nông nghiệp Việt Nam thực hiện các mục tiêu Chính phủ đã đề ra, đó là xây dựng nền Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân thông minh.

Bộ Ngoại giao luôn đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp kiều bào

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hai năm qua, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ bền vững, góp phần quan trọng trong việc ổn định chính trị - xã hội và đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế Việt Nam.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu chia sẻ, thời gian qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài được chứng kiến nhiều hoạt động đóng góp thiết thực của cộng đồng kiều bào ta trong lĩnh vực nông nghiệp.

Các cơ sở phân phối, quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài của kiều bào tuy quy mô còn hạn chế nhưng đã phủ sóng trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần quảng bá sản phẩm Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Trong đó, một số trung tâm thương mại, chợ Việt Nam có quy mô lớn và còn nhiều dư địa để hợp tác với trong nước.

Ngoài ra, nhiều kiều bào đã về nước đầu tư, kinh doanh, phát triển các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động địa phương; đóng góp vào công cuộc bảo tồn nông sản quý và phát triển các giống cây trồng cho năng suất cao.

Nhằm góp phần triển khai mục tiêu kép của Chính phủ về phòng chống dịch và phát triển kinh tế, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho rằng, trước tiên cần thay đổi về tư duy, lấy người dân, doanh nghiệp, địa phương làm trung tâm của quá trình hoạch định và triển khai chính sách. Đồng thời tích cực áp dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả nông nghiệp.

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định, Bộ Ngoại giao luôn đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh: Anh Sơn)

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu khẳng định, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đẩy mạnh và triển khai hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế, ngoại giao phục vụ phát triển; phối hợp với Bộ NN&PTNT, các địa phương và cơ quan trong nước đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào các thị trường đang phục hồi mạnh mẽ nhằm tận dụng đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới; phát huy vai trò đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong xuất khẩu nông sản sang các thị trường trọng điểm.

Đồng thời, Bộ Ngoại giao sẽ tích cực cung cấp thông tin, tăng cường tuyên truyền để phổ biến và tận dụng các lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam.

Bộ cũng sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động quảng bá và tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm trong chuyển đổi số, thương mại điện tử, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, để ngành nông nghiệp sớm bắt kịp các xu thế chung về phát triển bền vững và thích ứng lâu dài với đại dịch.

Là ngôi nhà chung của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng khẳng định Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài-Bộ Ngoại giao luôn cùng với các cơ quan trong nước quan tâm, đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài; lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp thiết thực của kiều bào và tham mưu với Đảng, Nhà nước để hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện hơn nữa để người Việt Nam ở nước ngoài về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh ở trong nước và tăng cường kết nối với quê hương trên nhiều lĩnh vực.

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu tin tưởng, với quyết tâm, nỗ lực của các cơ quan trong nước, mà tiên phong là Bộ NN&PTNT, cùng kinh nghiệm, nguồn lực và sự đoàn kết của cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành công mới.

Ngay sau đó, các đại biểu tiếp tục nghe các kiều bào, doanh nhân kiều bào, các trí thức kiều bào đóng góp ý kiến qua các chủ đề thương mại, đầu tư và áp dụng công nghệ cao.