Phát biểu tại lễ phát động, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, xây dựng nông thôn mới (NTM) là giải pháp quan trọng để thực hiện Nghị quyết số 26 của Đảng về nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Sau gần 10 năm, đến nay chúng ta có 42,3% số xã, 61 huyện và 2 địa phương (Đồng Nai, Nam Định) hoàn thành xây dựng NTM với 19 tiêu chí. Những địa phương đã hoàn thành thì đang tiếp tục phát triển xây dựng NTM kiểu mẫu, đi sâu vào phát triển kinh tế nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Trong xây dựng NTM thì Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm “nâng cấp” về chất lượng và quảng bá các sản vật, đặc sản của từng làng quê là một giải pháp để gia tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Đó có thể là các mặt hàng như miến dong Cao Bằng, gạo Sén Cù, tương ớt Mường Khương, thổ cẩm,...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại lễ phát động Chương trình khởi nghiệp từ OCOP trong thanh niên, sinh viên. |
Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đã ban hành Đề án triển khai Chương trình OCOP và triển khai trên toàn quốc từ tháng 5/2018. Trung ương, địa phương sẽ đầu tư và kêu gọi đầu tư vào OCOP khoảng 15.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân. Hiện nay đã có trên 30 tỉnh, thành phố phê duyệt chương trình cụ thể với khoảng 34.000 sản phẩm.
Tại lễ phát động, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn các sản phẩm của làng, xã được chắt lọc, đầu tư để nâng tầm thành sản phẩm của tỉnh, của vùng và quốc gia.
“Nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng tốt đã được tung ra thị trường. Các tập đoàn bán lẻ không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài đã trực tiếp xuống nông thôn tìm kiếm những sản phẩm OCOP đưa vào siêu thị, chuỗi cửa hàng của mình với mẫu mã rất đẹp, chất lượng đảm bảo và giá cả rất cạnh tranh”, Phó Thủ tướng cho biết.
Theo Phó Thủ tướng, OCOP cũng là một lĩnh vực mà sinh viên, thanh niên hoàn toàn có thể tham gia để giúp chương trình thành công như mong đợi.
“Chúng tôi kêu gọi các thầy cô giáo, sinh viên các trường, thanh niên ở các địa phương trực tiếp tham gia vào các mô hình khởi nghiệp đối với các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm từ kinh tế nông thôn mà liên quan đến OCOP. Khởi nghiệp ở đây là phải đổi mới sáng tạo, đưa hàm lượng khoa học công nghệ và quản trị mới vào các sản phẩm này để thổi hồn cho các sản phẩm địa phương nhưng tham gia vào chuỗi thương mại toàn quốc, toàn cầu”, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia nhấn mạnh.
Các trường đại học, học viện có thể bằng nhiều cách thức như thành lập các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để phát triển các sản phẩm OCOP và các sản phẩm khác từ nghiên cứu khoa học của sinh viên, giảng viên.
Chính phủ đang xây dựng Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có việc cho vay các dự án khởi nghiệp - sáng tạo, mạo hiểm có tính khả thi cao. Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ NN&PTNT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh theo dõi, xét chọn và đề xuất những dự án khởi nghiệp tốt để giới thiệu với các quỹ đầu tư mạo hiểm của tư nhân và của Chính phủ để rót vốn. Sau khi dự án phát triển thành công, là điều kiện quan trọng để các ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư vốn bổ sung để phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các đại biểu thực hiện nghi thức phát động khởi nghiệp từ chương trình "Mỗi xã một sản phẩm trong thanh niên, sinh viên. |
Cũng tại buổi lễ, Bộ NN&PTNT cùng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai khởi nghiệp từ Chương trình OCOP trong thanh niên, sinh viên giai đoạn 2019-2020.
Kế hoạch xác định 5 mục tiêu: Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, sinh viên về vai trò và tầm quan trọng của phát triển kinh tế nông thôn; hiểu đầy đủ và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng NTM và Chương trình OCOP.
Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, thanh niên các địa phương tích cực tham gia Chương trình OCOP trong thời gian tới, trong đó tập trung vào ươm mầm doanh nhân tương lai; tạo cơ hội cho thanh niên, sinh viên được tập huấn kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp; hun đúc ý chí và tinh thần khởi nghiệp qua các hoạt động giao lưu với các doanh nhân thành đạt.
Thực tế tại Trường đại học Nông Lâm TPHCM đã xuất hiện nhiều điển hình sinh viên, giảng viên trong nghiên cứu, sáng tạo từ các giống rau, củ cho chất lượng và năng suất cao, đủ sức để nhân rộng sản xuất và cạnh tranh trên thị trường.