📞

Khả năng Nga xuyên thủng chiến tuyến, Pháp gửi quân tới Ukraine; Moscow chấp nhận cáo buộc sử dụng vũ khí hoá học?

Hạ Nhi 19:10 | 02/05/2024
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ngày 2/5, tái khẳng định quan điểm rằng ông không loại trừ khả năng gửi quân tới Ukraine, cho rằng vấn đề này sẽ phát sinh “hợp pháp” nếu Nga xuyên thủng chiến tuyến của Ukraine và Kiev đưa ra yêu cầu như vậy.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Hội nghị Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Môi trường (CESE) ở Paris vào ngày 26/4. (Nguồn: AFP)

Trả lời phỏng vấn tờ Economist ngày 2/5, Tổng thống Macron nhấn mạnh: "Tôi không loại trừ bất cứ điều gì, bởi chúng ta đang đối mặt với kẻ cũng không loại trừ thực hiện bất cứ điều gì".

Một số nhà phân tích dự đoán Nga có khả năng sắp phát động một cuộc tấn công lớn ở Ukraine. Tổng thống Macron mô tả việc ông từ chối loại trừ động thái gửi quân là một “lời cảnh tỉnh chiến lược cho những người đồng cấp của tôi”.

Nhà lãnh đạo Pháp tuyên bố: “Nếu Nga thắng ở Ukraine, sẽ không còn an ninh ở châu Âu. Ai có thể giả vờ rằng Nga sẽ dừng lại ở đó? Còn tồn tại an ninh cho các nước láng giềng khác, Moldova, Romania, Ba Lan, Lithuania và những nước khác hay không?”.

Trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố đã xác định được rằng Nga sử dụng “vũ khí hóa học chloropicrin” để chống lại các lực lượng Ukraine. Tuy vậy, điện Kremlin ngày 2/5 đã bác bỏ các cáo buộc này của Mỹ rằng các lực lượng Nga đã sử dụng "vũ khí hóa học" ở Ukraine.

Trả lời họp báo, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định: "Chúng tôi đã xem tin tức về việc này. Như mọi khi, những cáo buộc như vậy nghe hoàn toàn vô căn cứ và không được chứng minh".

Mỹ cho rằng Moscow đã vi phạm Công ước về Vũ khí hóa học (CWC). Chloropicrin là chất nhờn được biết đến như một loại chất gây nghẹt thở được sử dụng rộng rãi trong Thế chiến I dưới dạng hơi cay.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ dán nhãn chất này là “tác nhân gây hại cho phổi” có thể gây kích ứng nghiêm trọng cho da, mắt và hệ hô hấp. Việc sử dụng chất này bị Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCWW), cơ quan thực thi CWC, nghiêm cấm.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 1/5 cho rằng việc sử dụng các loại hóa chất như vậy không phải là vụ việc cá biệt và có thể được các lực lượng Nga thúc đẩy vì muốn đánh bật các lực lượng Ukraine khỏi các vị trí kiên cố và giành được lợi thế chiến thuật trên giao tranh.

Moscow đã ký và phê chuẩn CWC về cấm sản xuất và sử dụng vũ khí hóa học. Theo ông Peskov, Nga đã và vẫn cam kết thực hiện các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế.

Theo Reuters, ở một diễn biến khác, ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cho rằng, các quốc gia phương Tây đang tụt hậu so với Nga trong nỗ lực đẩy mạnh sản xuất quốc phòng, dẫn đến nghi ngờ về khả năng Mỹ và các đồng minh duy trì trật tự thế giới hiện tại.

Trả lời phỏng vấn tạp chí Foreign Policy của Mỹ, nhà ngoại giao hàng đầu Ukraine kêu gọi nước Mỹ nói riêng “soi xét vấn đề từ phía các bạn chứ không phải từ phía Ukraine” khi đề ra chiến lược cho cuộc xung đột hiện nay. Ông Kuleba nêu rõ: “Hoạt động sản xuất vũ khí của Nga đã trở nên năng suất hơn so với toàn bộ liên minh phương Tây. Đó là một dấu hiệu tồi. Mọi thứ phải thay đổi nếu chúng ta nghiêm túc trong việc bảo vệ thế giới như chúng ta đã biết. Hãy tự hỏi: Chúng ta đang làm gì sai nếu không thể giúp đồng minh của mình giành chiến thắng?".

Ngoại trưởng Kuleba nhấn mạnh: “Nếu các bạn không thể sản xuất đủ tên lửa đánh chặn để giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc giao tranh chống lại quốc gia muốn phá hủy trật tự thế giới, thì làm sao bạn có thể giành chiến thắng trong cuộc xung đột chống lại một kẻ thù có lẽ mạnh hơn Nga”.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Ukraine kêu gọi các chính trị gia ở Washington áp dụng cách tiếp cận tối đa đối với hỗ trợ quân sự và coi Nga như một “kẻ thù” không thể đàm phán khi mà ông Vladimir Putin vẫn là Tổng thống Nga. Ông Kuleba cho biết, Kiev rất biết ơn việc Washington phê duyệt khoản viện trợ an ninh bổ sung trị giá 60 tỷ USD vào tháng trước, nhưng tuyên bố động lực thúc đẩy tinh thần “sẽ còn mạnh mẽ hơn” nếu Mỹ đưa hệ thống phòng không Patriot vào gói viện trợ vũ khí của mình.

Tổng thống Nga Putin đã gắn cuộc xung đột Ukraine với điều mà ông cho là điểm yếu về mặt địa chính trị của Washington. Tham dự Câu lạc bộ thảo luận Valdai vào tháng 10 năm ngoái, nhà lãnh đạo Nga tuyên bố Mỹ đã “kích động” giao tranh, một phần để buộc các đồng minh châu Âu “chuyển sang chính sách trừng phạt, hạn chế đối với Nga”.