Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X có ý nghĩa hết sức quan trọng. (Nguồn: VGP) |
Tham dự Đại hội có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các điển hình tiên tiến đại diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học công nghệ...; các thành phần tôn giáo, dân tộc, nhân sĩ, trí thức, thầy thuốc, nhà giáo, nghệ nhân, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học...
Có 2.300 đại biểu tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. (Ảnh: VD) |
Dự Đại hội, Đoàn đại biểu Bộ Ngoại do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh làm trưởng đoàn; đại diện các cá nhân điển hình tiên tiến giai đoạn 2017-2019 gồm: Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Đặng Hoàng Giang, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế đa phương, Trưởng Ban Nữ công Bộ Nguyễn Minh Hằng; đại diện tập thể điển hình tiên tiến Bộ Ngoại giao giai đoạn 2017-2019 có đồng chí Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia - đại diện Vụ Biển - Ủy ban Biên giới Quốc gia và đồng chí Đặng Trần Nam Trung, chuyên viên, đại diện Vụ Các Tổ chức quốc tế.
Phát biểu khai mạc Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương nêu rõ, phong trào thi đua yêu nước như những làn sóng trào dâng, kết tinh sức mạnh, mang theo khí thế lịch sử hào hùng của cha ông và dân tộc ta. Năm 2020 phải được xem là năm thành công nhất của nước ta trong 5 năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách.
Cách đây 72 năm, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Người viết: "Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sỹ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa." Người kêu gọi: "Làm cho mau, Làm cho tốt, Làm cho nhiều".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội. (Nguồn: VGP) |
Thực hiện lời kêu gọi thiêng liêng đó của Người, trải qua 26.480 ngày kể từ ngày 11/6 năm đó, không ngày nào nhân dân ta không thi đua yêu nước. Từ những ngày đầu với phong trào thi đua diệt giặc dốt, diệt giặc đói, cho đến giặc ngoại xâm; từ thi đua khôi phục kinh tế-xã hội ở miền Bắc cho đến thi đua chi viện cho chiến trường miền Nam; từ thi đua đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước đến thi đua kiến thiết lại nước nhà, thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế và đưa đất nước tiến lên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thi đua làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
“Ngày nay, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước ta có được là kết tinh của nhiều phong trào thi đua sôi nổi, bao gồm cả những cống hiến và hi sinh thầm lặng ở mọi cấp, mọi ngành, mọi tầng lớp xã hội”, Thủ tướng bày tỏ.
“Quý vị, các đồng chí là những đại diện tiêu biểu cho các anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, các chiến sĩ thi đua toàn quốc, các điển hình tiên tiến đại diện cho các lĩnh vực, vùng, miền, dân tộc, tôn giáo; các tầng lớp nông dân, công nhân và đội ngũ trí thức… trong cả nước và cả đồng bào ta ở nước ngoài”.
So với 9 kỳ đại hội trước, số lượng đại biểu tham dự đại hội lần này là đông nhất. Điều này thể hiện phong trào thi đua yêu nước của chúng ta ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, những tấm gương thi đua điển hình của nước ta ngày càng nhiều. Tuy nhiên, con số dù có lớn thế nào cũng không thể đại diện hết được những thành quả sâu sắc và toàn diện mà các phong trào thi đua đã giành được trong những năm qua.
Năm 2020 đánh dấu một bước ngoặc lớn trong lịch sử 100 năm gần đây của nhân loại khi đại dịch Covid-19 gây ra những tác hại vô cùng lớn đến kinh tế và sự xáo trộn trong đời sống xã hội của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, nhờ sự đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của sự hòa quyện giữa "ý Đảng và lòng dân", chúng ta đã thi đua và giành thắng lợi trong việc thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế.
Đến thời điểm hiện nay, khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới bị rơi vào suy thoái sâu, Việt Nam là nền kinh tế vẫn duy trì được tăng trưởng dương. Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, giảm thiểu số người chết và những thiệt hại về kinh tế, an sinh xã hội được bảo đảm, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt nhiều kết quả ấn tượng.
Thủ tướng nêu rõ, trong mỗi chặng đường phát triển của đất nước, phong trào thi đua yêu nước như những làn sóng trào dâng, kết tinh sức mạnh, mang theo khí thế lịch sử hào hùng của cha ông và dân tộc ta. Thi đua là động lực thúc đẩy mỗi cá nhân tự làm mới mình, luôn nỗ lực ngày thêm tiến bộ, tự giác vươn lên giành lấy thành quả mới trong lao động, học tập, sản xuất kinh doanh. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới”.
Chương trình văn nghệ chào mừng Đại hội. |
Trong báo cáo Tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm (2016-2020), phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 được trình bày tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, giai đoạn 2016-2020, phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng đã có nhiều đổi mới, sáng tạo và hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Có thể nói, các phong trào đua trong giai đoạn 2016-2020, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.
Trong lĩnh vực đối ngoại, báo cáo nhấn mạnh, Việt Nam đã tổ chức hiệu quả phong trào thi đua với chủ đề “Giữ vững môi trường hòa bình, hội nhập quốc tế hiệu quả, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, phong trào thi đua trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về xây dựng quê hương, đất nước, qua đó góp phần tạo nhiều dấu ấn ngoại giao quan trọng, đảm nhiệm thành công vai trò nước chủ nhà APEC 2017, Chủ tịch ASEAN 2020, AIPA 41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2…
Trong 5 năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tình hình thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 có thể còn kéo dài.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tới, phát huy truyền thống thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thành quả 5 năm qua, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X tiếp tục thực hiện chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, với những nhiệm vụ chủ yếu và giải pháp trọng tâm: Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, đặc biệt là người đứng đầu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua khen thưởng (TĐKT).
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động; Đẩy mạnh tuyên truyền tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương, chính sách, pháp luật về TĐKT. Khen thưởng kịp thời và đúng quy định những tập thể, cá nhân có thành tích; quan tâm nhiều hơn việc khen thưởng tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp sản xuất, công tác; Phát huy vai trò, trách nhiệm Hội đồng TĐKT trong việc tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức triển khai các phong trào thi đua và thực hiện công tác khen thưởng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về TĐKT.
Đại hội cũng tiến hành giao lưu, tôn vinh các điển hình tiên tiến, đại diện “Anh hùng Lao động”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có phát biểu quan trọng chỉ đạo Đại hội.
Chương trình Đại hội được phát thanh và truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam.
Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đại hội sẽ đánh giá kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2015-2020; đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2020-2025; tôn vinh các tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua, các gương điển hình tiên tiến tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua; tiếp tục khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc; tạo động lực mới nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Đồng thời, phát động phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và tiếp tục đẩy mạnh 4 phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới theo Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị và Luật Thi đua - Khen thưởng. Trong 5 năm qua, thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, phong trào thi đua và công tác khen thưởng thực sự có nhiều chuyển biến tích cực. Cấp ủy Đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp và người đứng đầu cơ quan, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; phát huy truyền thống thi đua yêu nước và tiếp tục thực hiện chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, công tác thi đua, khen thưởng trong 5 năm tới được xác định là: Phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng phải phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trở thành động lực to lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, phấn đấu đến năm 2025 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đồng thời, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng, tự hào dân tộc; thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và không ngừng nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế… |
| Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X: Giao lưu 'Những tấm gương điển hình tiên tiến' TGVN. Chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Ban Thi đua ... |
| Bác sĩ Công huân Nguyễn Văn Khanh - ‘Anh cả’ của người Việt ở Odessa, Ukraine TGVN. Bác sỹ Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch khóa đầu tiên của Hội người Việt Nam tỉnh Odessa, đã trải qua tất cả thăng trầm ... |
| 2020 đại biểu chính thức dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X TGVN. Tại buổi gặp gỡ báo chí thông tin về Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X được tổ chức sáng ... |