Tham dự Diễn đàn có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Chủ tịch phân ban Việt Nam trong Liên minh Nghị viện cộng đồng Pháp ngữ (APF), Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Pháp Nguyễn Thúy Anh...
Về phía Cộng đồng Pháp ngữ có bà Louise Mushikiwabo, Tổng thư ký OIF, cùng lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành, cơ quan liên quan của Việt Nam; các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam; các Đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức Pháp ngữ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế tại Hà Nội và các tổ chức, doanh nghiệp của trên 20 nước Pháp ngữ tham gia Đoàn xúc tiến kinh tế-thương mại Pháp ngữ thăm Việt Nam.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn. (Ảnh Quang Hoà) |
Việt Nam chủ động tham gia tăng cường hợp tác kinh tế trong cộng đồng Pháp ngữ
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Diễn đàn Minh tế cấp cao Việt Nam - Pháp ngữ, góp phần phục hồi kinh tế toàn cầu và sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước.
Phó Thủ tướng khẳng định với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã từng bước vượt qua nhiều khó khăn về kinh tế-xã hội, chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19. Đến nay, kinh tế Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, các cân đối lớn về thu chi ngân sách, xuất nhập khẩu, năng lượng được bảo đảm.
Cho rằng các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng sạch, năng lượng bền vững, số hóa, chuyển đổi số là những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế và nhu cầu hợp tác quốc tế lớn trong những năm tới, Phó Thủ tướng đề nghị Diễn đàn tập trung trao đổi sâu về: chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực quan tâm chính của Diễn đàn; đánh giá về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm, bài học về hợp tác đầu tư, kinh doanh, thu hút nguồn vốn, công nghệ, qua đó xác định các cơ hội hợp tác, xây dựng các quan hệ đối tác lâu dài, bền vững, cùng có lợi.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu trao đổi, đề xuất các khuyến nghị, giải pháp liên quan, đến hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trong các lĩnh vực quan tâm để góp phần làm môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn với doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Pháp ngữ.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, không gian kinh tế Pháp ngữ, với dân số khoảng 1,2 tỷ người, chiếm 16% GDP và 20% thương mại toàn cầu, có tiềm năng rất lớn và còn nhiều dư địa để đẩy mạnh hợp tác một cách sâu rộng hơn nữa. Đồng thời, bày tỏ tin tưởng hợp tác kinh tế Pháp ngữ sẽ ngày càng hiệu quả và vươn tới tầm cao mới.
Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ và chủ động tham gia các nỗ lực tăng cường hợp tác kinh tế, vì sự phồn vinh và phát triển bền vững của các nước Pháp ngữ.
Đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và cộng đồng Pháp ngữ
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt Nam - Pháp ngữ. (Ảnh: Quang Hòa) |
Trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, với phương châm ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân làm trung tâm phục vụ, Bộ Ngoại giao xác định tập trung vào mục tiêu thu hút nguồn lực và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, xuất nhập khẩu, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu cơ hội, thiết lập các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài, trong đó có các nước Pháp ngữ.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc tham gia và thúc đẩy hợp tác, đoàn kết trong khối Pháp ngữ; hoan nghênh các nỗ lực của OIF trong thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các quốc gia thành viên, và chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên của chuỗi các hoạt động của đoàn doanh nghiệp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Pháp ngữ.
Phát huy các kết quả tích cực trong hoạt động kết nối hai chiều giữa các doanh nghiệp của Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài thời gian qua, với mạng lưới hơn 90 Cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan tạo điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp từ các nước Pháp ngữ, tìm hiểu cơ hội, thiết lập các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Bà Louise Mushikiwabo, Tổng thư ký OIF phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế cấp cao Việt Nam - Pháp ngữ. (Ảnh Quang Hoà) |
Bộ Ngoại giao cũng sẽ nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài, trong đó có các nước Pháp ngữ, và nhất là trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng sạch, tái tạo, sản phẩm và dịch vụ số.
Bộ trưởng đánh giá cao OIF đã triển khai một loạt sáng kiến nhằm thực hiện Chiến lược kinh tế Pháp ngữ giai đoạn 2020-2025 mà Việt Nam là nước điều phối xây dựng trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Hội đồng thường trực Pháp ngữ, đặc biệt là sáng kiến tổ chức các Đoàn xúc tiến kinh tế-thương mại Pháp ngữ và lần đầu tiên tham gia Triển lãm Thế giới (World Expo).
Bộ trưởng cảm ơn OIF đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuỗi các Đoàn xúc tiến kinh tế và thương mại Pháp ngữ.
Đại diện cho OIF, bà Louise Mushikiwabo hoan nghênh những thành quả hội nhập kinh tế quốc tế và phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam, khẳng định hợp tác kinh tế trong không gian Pháp ngữ có nhiều tiềm năng rất to lớn.
Tổng thư ký OIF cho biết, OIF đang triển khai đồng bộ các chiến lược, dự án để góp phần hiện thực hóa các tiềm năng này, qua đó phục vụ tốt hơn nữa lợi ích của các nước thành viên, người dân và doanh nghiệp.
OIF sẽ nỗ lực hết sức mình để kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Pháp ngữ, nhất là về các lĩnh vực nông nghiệp, sản phẩm và dịch vụ số, năng lượng bền vững, năng lượng tái tạo.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Tổng thư ký OIF Louise Mushikiwabo chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn. (Ảnh: Quang Hoà). |
Diễn đàn Kinh tế cấp cao Việt Nam - Pháp ngữ được tổ chức nhân dịp Tổng thư ký Pháp ngữ thăm chính thức Việt Nam và trong khuôn khổ hoạt động của đoàn xúc tiến kinh tế và thương mại Pháp ngữ đến Việt Nam từ ngày 21-26/3/2022.
Đây là đoàn đầu tiên trong chuỗi các đoàn xúc tiến kinh tế và thương mại do Pháp ngữ tổ chức nhằm tăng cường hợp tác về kinh tế giữa các nước thành viên.
| Tổng thư ký Cộng đồng Pháp ngữ sẽ thăm chính thức Việt Nam Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao. |
| Hiểu sâu hơn về vai trò và vị trí của Pháp ngữ trong sự phát triển của Việt Nam Ngày 3/12, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), báo Le Courrier du Vietnam (Thông tấn xã ... |