Thứ trưởng Ngoại giao Colombia Monica Lanzetta (phải) và Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa tham dự hội nghị ngày 13/6. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Hội nghị năm nay, diễn ra trong hai ngày, do Indonesia và Colombia đồng chủ trì, với sự tham dự của hai phó thủ tướng, 15 bộ trưởng và 12 thứ trưởng ngoại giao cùng 7 quan chức cấp cao các nước thành viên FEALAC và Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Lê Lương Minh. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu.
FMM FEALAC 6 chủ yếu tập trung thảo luận các vấn đề và các biện pháp tăng cường hợp tác giữa hai khu vực trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư, du lịch, nghiên cứu đa dạng sinh học, thực phẩm và ngành công nghiệp chế tạo máy bay, vì lợi ích của đôi bên.
Tổng Vụ trưởng Mỹ và châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia Dian Triansyah Djani nhấn mạnh các nền kinh tế Đông Á và Mỹ Latinh đã đạt tăng trưởng nhanh, ổn định trong những năm qua, với mức tăng trung bình trên 5%, trong đó một số nền kinh tế thành viên đạt trên 6%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của hai khu vực chiếm 24% tổng FDI toàn cầu. 8 nước trong Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) là thành viên FEALAC. Thương mại giữa hai khu vực chiếm tới 30% tổng thương mại toàn cầu.
Khu vực Đông Á và Mỹ Latinh chiếm 40% dân số toàn cầu và 34% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới. Dự kiến, hai khu vực này có thể đóng góp tới 66% tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2013 và tiếp tục xu hướng này trong những năm tiếp theo và tới năm 2030 sẽ có tầng lớp trung lưu chiếm tới 72% tổng dân số.
Tổng Vụ trưởng Dian Triansyah Djani nêu rõ cả hai khu vực đều có quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Mỹ và châu Âu, song chưa tối ưu hóa hợp tác lẫn nhau. Do vậy, FEALAC là một cơ hội lớn cho các nước ở cả hai khu vực tăng cường hợp tác và cùng gặt hái những lợi ích thiết thực từ việc tăng cường hợp tác lẫn nhau. Bên cạnh đó, hai khu vực nói chung và các nền kinh tế của hai khu vực nói riêng còn có rất nhiều lợi thế bổ sung cho nhau.
Chẳng hạn, Indonesia và Brazil cùng có sự đa dạng sinh học vô cùng phong phú, có thể hợp tác trong lĩnh vực du lịch. Mỹ Latinh nổi tiếng với các di sản của nền văn minh Maya và Aztek, còn Đông Á có đền Borobudur của Indonesia, Angkor Wat của Campuchia.
FEALAC chiếm tới 57% diện tích rừng nhiệt đới của thế giới, trong đó Brazil và Indonesia được coi là hai lá phổi lớn nhất của hành tinh. Các nước Mỹ Latinh có thế mạnh về sản xuất ngũ cốc và các nước Đông Á có thế mạnh về sản xuất lúa gạo có thể cùng chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức cho nhau. Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng làm nền tảng cho sự tăng cường hợp tác và đạt được lợi thế tối đa từ hợp tác là cả hai khu vực cần cải thiện kết nối, trong đó bao gồm việc thiết lập và tăng cường các tuyến bay trực tiếp giữa hai khu vực.
FEALAC chủ yếu bao gồm các cuộc họp thường xuyên được tổ chức ở ba cấp độ: các Bộ trưởng Ngoại giao, các quan chức cấp cao và các quan chức làm việc.
Trước thềm FMM FEALAC 6, trong hai ngày 11 và 12/6, cũng tại Bali đã diễn ra các Hội nghị lần thứ 10 Nhóm công tác về chính trị, văn hóa, giáo dục và thể thao, Hội nghị lần thứ 10 Nhóm công tác về kinh tế và xã hội, Hội nghị lần thứ 9 Nhóm công tác về khoa học và công nghệ, Hội nghị lần thứ 4 Tiểu nhóm làm việc về du lịch và Hội nghị quan chức cấp cao FEALAC lần thứ 14.
FEALAC được thành lập vào năm 1999, với tên gọi ban đầu là Diễn đàn Đông Á-Mỹ Latinh (EALAF), như một diễn đàn chính thức để liên kết các nước châu Á và Mỹ Latinh và là diễn đàn cầu nối duy nhất giữa hai khu vực.
Hiện FEALAC có 36 thành viên, gồm 16 nước châu Á (10 nước thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, và Mông Cổ) và 20 nước Mỹ Latinh (Argentina, Bolivia, Brazil, Chile, Colombia, Costa Rica, Cuba, Cộng hòa Dominica, Ecuador, El Salvador, Guatemala, Honduras, Mexico, Nicaragua, Panama, Paragoay, Peru, Suriname, Uruguay và Venezuela).
Hội nghị cấp bộ trưởng lần đầu tiên của FEALAC được tổ chức năm 2001 tại Chile. Kim ngạch thương mại giữa hai khu vực trong năm 2011 đạt 267 tỷ USD, và qua 14 năm hoạt động đã có trên 200 dự án và sáng kiến được triển khai trong khuôn khổ hợp tác của FEALAC./.