Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị họp với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển năm 2024. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tham dự Hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, các Bộ trưởng: Ngoại giao, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lãnh đạo các địa phương, thủ trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp... theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tin liên quan |
Công tác Ngoại giao kinh tế năm 2024: Khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới |
Hội nghị nhằm điểm lại các kết quả triển khai công tác ngoại giao kinh tế từ năm 2023 đến nay và đề ra trọng tâm công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển năm 2024.
Triển khai Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 20/2/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, công tác ngoại giao kinh tế đã được Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai toàn diện, đi vào chiều sâu, thực chất, mở ra các hướng đi mới, mang tính đột phá, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội.
Tinh thần 3 cùng để cùng thắng, cùng có lợi
Phát biểu định hướng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Hội nghị được tổ chức sau 1 năm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển và sau 3 tháng triển khai kết quả Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32.
Thủ tướng nêu rõ, đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng là 3 động lực tăng trưởng truyền thống cần làm mới, cùng với các động lực mới cần thúc đẩy là kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.
Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu đặt ra là phải phát triển nhanh và bền vững, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần, phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội, văn hóa, môi trường.
Theo Thủ tướng, cần tiếp tục kết hợp hài hòa, hợp lý hiệu quả sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, giữa nội lực và ngoại lực, phát huy tối đa tiềm lực đất nước để phát triển, trên quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân"; hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư, các đối tác.
Cho biết so với hội nghị lần trước, hội nghị lần này có thêm đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng gợi mở một số nội dung để các đại biểu thảo luận: Tiếp tục rà soát, nắm chắc tình hình thế giới và khu vực, triển khai các giải pháp để củng cố các thị trường đã có, mở rộng các thị trường mới; khắc phục các đứt gãy trong chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; công tác phối hợp trong nước và ngoài nước, giữa các bộ, ngành với nhau, giữa doanh nghiệp - Nhà nước - người dân; các doanh nghiệp cần năng động, sáng tạo, chủ động thích ứng tình hình thế nào.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "3 cùng": Cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển. Đồng thời, phải giữ vững bản lĩnh, bĩnh tĩnh, kiên trì, không quá say sưa với thắng lợi và khi thuận lợi, không hoang mang, dao động khi gặp khó khăn, thách thức, tuân thủ và vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước phù hợp tình hình.
"Ví dụ, hiện nay giá một số mặt hàng nông sản đang tốt thì chúng ta vừa phải tranh thủ cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, vừa phải chia sẻ với các đối tác, không lợi dụng khi các đối tác khó khăn, vừa tránh phát triển nóng, chú trọng xây dựng, giữ gìn thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, với giá cả hợp lý.
Khi họ khó khăn mà mình không chia sẻ với đối tác thì lúc mình khó khăn, ai sẽ chia sẻ với mình? Khi hợp tác làm ăn thì cả hai bên đều phải có lợi, lợi dụng lúc đối tác khó khăn để "đục nước béo cò" thì văn hóa Việt Nam không như vậy", Thủ tướng phát biểu.
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh) |
5 trọng tâm ngoại giao kinh tế trong năm 2024
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, thời gian qua, công tác ngoại giao kinh tế đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo hết sức sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ.
Trong 18 tháng qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 5 hội nghị ngoại giao kinh tế (hội nghị này là lần thứ 6) để trực tiếp định hướng, chỉ đạo các bộ, ngành, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, địa phương trong đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, từng bước trở thành nhiệm vụ cơ bản, trung tâm, đóng góp tích cực vào các kết quả phát triển kinh tế - xã hội đất nước, với 3 kết quả nổi bật.
Một là, việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện ngoại giao kinh tế được triển khai kịp thời, bài bản hơn. Chính phủ lần đầu tiên ban hành Chương trình hành động về ngoại giao kinh tế để thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư; các bộ, ngành, địa phương tích cực ban hành kế hoạch hành động để cụ thể hóa Chỉ thị 15 của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ.
Công tác phối hợp triển khai ngoại giao kinh tế được tăng cường, đổi mới; tích cực tham mưu, thiết lập các cơ chế phối hợp liên ngành như: Ban chỉ đạo Quốc gia về bán dẫn, Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2023-2026 giữa Bộ Ngoại giao với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch hợp tác thu hút du lịch kiều bào giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Hai là, ngoại giao kinh tế tiếp tục đóng góp quan trọng trong duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước. Nội dung kinh tế tiếp tục là trọng tâm trong gần 60 hoạt động đối ngoại Cấp cao từ đầu năm 2023 đến nay với nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác kinh tế được ký kết.
Quan hệ đối ngoại và hợp tác kinh tế được mở rộng; các khuôn khổ quan hệ với 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện được củng cố, mở rộng, nâng tầm, nâng cấp (từ nửa cuối năm 2023 đến nay, ta đã nâng tầm, nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với 4 đối tác lớn là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia với nhiều nội hàm hợp tác quan trọng như khoa học công nghệ, bán dẫn, ODA thế hệ mới, kinh tế xanh, kinh tế số…)
Ba là, ngoại giao kinh tế đóng góp trực tiếp vào các kết quả tích cực của kinh tế đối ngoại và hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế. ngoại giao kinh tế đã tích cực hỗ trợ xúc tiến, quảng bá, tháo gỡ rào cản thương mại, thúc đẩy các hướng đi mới như phát triển ngành Halal, qua đó mở rộng thị trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp.
Bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế thời gian qua. Trong đó có việc cụ thể hóa và tận dụng các khuôn khổ quan hệ đã được thiết lập, nâng cấp và cam kết, thỏa thuận đạt được trong thời gian qua còn hạn chế, có độ trễ trong triển khai; Việc giải quyết các vướng mắc tồn đọng với một số đối tác còn kéo dài, chưa dứt điểm, tác động không thuận đến quan hệ kinh tế thương mại, thu hút đầu tư, vận động ODA…
Việt Nam cũng chưa có hoặc đang trong quá trình nghiên cứu xây dựng các chính sách, cơ chế ưu đãi đặc thù để thu hút đầu tư, phát triển một số ngành chiến lược. Cuối cùng là sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đôi lúc chưa đồng bộ; tính kết nối, liên kết vùng giữa các địa phương chưa cao.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn báo cáo tại Hội nghị Thủ tướng chủ trì họp về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển năm 2024. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Sau khi chỉ rõ các bài học kinh nghiệm cần rút ra, Bộ trưởng cũng nêu 5 trọng tâm ngoại giao kinh tế trong năm 2024.
Thứ nhất, thúc đẩy triển khai quyết liệt các cam kết, thỏa thuận đã đạt được; tận dụng tối đa các cơ hội từ việc nâng tầm, nâng cấp, mở rộng quan hệ với các đối tác và chuyển hoá thành các dự án, có kết quả cụ thể.
Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại Cấp cao và các cấp trong năm 2024 với nội dung kinh tế là trọng tâm nhằm tiếp tục làm sâu sắc hợp tác kinh tế, mở ra các khuôn khổ hợp tác mới, tháo gỡ dứt điểm vướng mắc tồn đọng với các đối tác, góp phần củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển.
Thứ hai, tăng tốc thúc đẩy làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới. Củng cố xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt; mở ra các thị trường mới, tiềm năng; đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA mới.
Đẩy mạnh phát triển ngành Halal theo tinh thần Đề án đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai hiệu quả hợp tác nông nghiệp ba bên với một số nước châu Phi.
Đẩy mạnh truyền tải thông điệp, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về bảo đảm môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Tập trung triển khai hợp tác đầu tư, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực bán dẫn, AI, hydrogen… Thu hút các nguồn tài chính xanh phục vụ chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững, nhất là Kế hoạch thực hiện JETP.
Quảng bá, xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm; thúc đẩy nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam; tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách tạo thuận lợi cho khách quốc tế vào Việt Nam. Triển khai hiệu quả các khuôn khổ hợp tác lao động đã ký và mở ra hợp tác với các thị trường lao động tiềm năng.
Đẩy mạnh tham mưu, triển khai các cơ chế mới, mang tính đột phá để huy động hiệu quả nguồn lực về tri thức, vốn đầu tư, vai trò cầu nối của kiều bào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thứ ba, đẩy mạnh hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế, nâng cao vị thế đất nước, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, cân bằng và hài hoà trong ứng xử quốc tế. Nghiên cứu và xác định định rõ các lợi ích, trọng tâm cần thúc đẩy trong các cơ chế, chú trọng hợp tác thực chất, hiệu quả và thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển.
Chuẩn bị sớm cho việc đăng cai các sự kiện đa phương lớn. Tham mưu các bước đi phù hợp của Việt Nam và tận dụng hiệu quả các sáng kiến mới (IPEF, BRI, Global Gateway, AZEC, ISA…). Hỗ trợ nâng cao năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của địa phương, doanh nghiệp.
Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi phát biểu tại Hội nghị qua hình thức trực tuyến. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Thứ tư, nâng cao nhạy bén và chất lượng của công tác nghiên cứu, tham mưu phục vụ điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ. Trọng tâm là tình hình kinh tế thế giới, khu vực; kinh nghiệm các nước trong xử lý các khó khăn, thách thức của nền kinh tế, phát triển các lĩnh vực bán dẫn, AI, hydrogen xanh…
Triển khai các nghiên cứu chiến lược phục vụ Đại hội Đảng XIV. Đẩy mạnh tham mưu cho các địa phương, doanh nghiệp thích ứng các xu hướng, tiêu chuẩn mới trong hợp tác kinh tế quốc tế. Tăng cường đối thoại, tư vấn chính sách quốc tế về các vấn đề kinh tế - phát triển.
Thứ năm, đổi mới mạnh mẽ trong phối hợp triển khai ngoại giao kinh tế, như thiết lập các cơ chế phối hợp liên ngành và nâng cao hiệu quả triển khai các cơ chế đã có để tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy hiệu quả các nhiệm vụ ngoại giao kinh tế.
Tăng cường đầu tư nguồn lực triển khai ngoại giao kinh tế, gồm nguồn lực tài chính và nguồn lực về con người, đội ngũ cán bộ. Đẩy mạnh tuyên truyền về ổn định chính trị - xã hội, môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi tại Việt Nam, đóng góp của ngoại giao kinh tế đối với phát triển kinh tế đất nước.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn sâu sắc tới Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo sát sao và quyết liệt công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian qua; cảm ơn sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan báo chí, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Qua đó, có thể khẳng định ngày càng có sự thống nhất, đồng lòng mạnh mẽ trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, giữa các trụ cột kinh tế - văn hóa - xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp để đóng góp nhiều hơn nữa, thiết thực hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian tới.
| Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2024 Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã ... |
| Đảng bộ Bộ Ngoại giao tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 Ngày 10/1, Đảng bộ Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 ... |
| Sách trắng Kinh tế Việt Nam 2023: Doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ và phát triển bền vững trong tương lai Sách trắng Kinh tế Việt Nam 2023 tổng kết những thành quả đạt được trong năm 2023; đưa ra một số dự báo về triển ... |
| Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ hai dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 19-22/12/2024 tại sân bay Gia Lâm, Hà ... |
| Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của công tác Ngoại giao kinh tế năm 2024 Chiều tối 22/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Hội nghị triển khai công tác Ngoại giao kinh tế ... |