📞

Khai mạc Hội thảo khoa học về đẩy mạnh xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII

Tin/ảnh: Tuấn Anh 10:22 | 30/06/2021
Sáng ngày 30/6, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đến dự và phát biểu tại Hội thảo khoa học “Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, đẩy mạnh xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII”.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đến dự và phát biểu tại Hội thảo khoa học 'Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, đẩy mạnh xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành trung ương và địa phương, các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nhân và cán bộ ngoại giao chủ chốt.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, trên cơ sở kế thừa và phát huy đường lối đối ngoại đúng đắn trong các giai đoạn trước đây, Đại hội XIII tiếp tục phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại của Đảng ta, trong đó có những nội dung mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới.

Văn kiện Đại hội XIII đã xác định rõ vị trí, vai trò nhiệm vụ đối ngoại là tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín đất nước; tư tưởng chỉ đạo là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hóa; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; nguyên tắc đối ngoại là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi…

Để thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại theo tư tưởng và nguyên tắc chỉ đạo nói trên trong bối cảnh mới, Đại hội XIII đã đề ra yêu cầu “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”.

Những nội dung cốt lõi, chủ trương, nhiệm vụ lớn, mang tầm khái quát cao mà Đại hội XIII đề ra là căn cứ và định hướng quan trọng để đẩy mạnh công tác đối ngoại trong thời gian tới.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, để đưa các chủ trương, nhiệm vụ lớn này đi vào cuộc sống, bên cạnh việc học tập và quán triệt, cần nghiên cứu sâu sắc, làm rõ và cụ thể hóa nội hàm các chủ trương, nhiệm vụ lớn, trên cơ sở đó thống nhất nhận thức, xây dựng các chiến lược, đề án, kế hoạch, lộ trình, biện pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực, từng đối tác.

Bộ trưởng hoan nghênh Học viện Ngoại giao phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức Hội thảo với chủ đề, nội dung rất thiết thực, góp phần vào làm sáng tỏ cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc cụ thể hóa các chủ trương, định hướng, nhiệm vụ lớn về đối ngoại.

Bốn vấn đề lớn cần làm rõ

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo làm rõ 4 vấn đề lớn sau.

Thứ nhất, về dự báo tình hình. Văn kiện Đại hội XIII đã đánh giá, dự báo những xu hướng, vấn đề rất cơ bản về tình hình quốc tế. Tuy nhiên, đặc trưng của môi trường quốc tế hiện nay và nhiều năm tới là tính bất định cao, diễn biến nhanh, nhất là khi nhiều đối tác lớn của Việt Nam đang trong quá trình điều chỉnh chiến lược, do đó cần liên tục, thường xuyên cập nhật, đánh giá, thậm chí phải điều chỉnh dự báo để luôn giữ thế chủ động chiến lược.

Bộ trưởng mong muốn, các đại biểu thảo luận, làm rõ hơn các xu hướng, nhân tố quốc tế tác động trực tiếp và lớn nhất đến an ninh và phát triển của nước ta; từ đó xác định thời cơ, thuận lợi cơ bản cũng như những thách thức trước mắt và lâu dài đối với đất nước.

Trên cơ sở đó, làm rõ các vấn đề lớn đặt ra cho công tác đối ngoại cũng như nhìn nhận thấu đáo nội hàm các vấn đề cơ bản của đối ngoại như sức mạnh thời đại, sức mạnh dân tộc, lợi ích quốc gia- dân tộc, độc lập, tự chủ, đối tác- đối tượng, hợp tác- đấu tranh trong bối cảnh quốc tế mới để điều chỉnh cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Thứ hai, về vị trí, vai trò và nhiệm vụ đối ngoại. Đại hội XIII đã xác định rõ tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín đất nước.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, đây là sự kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng giữ nước mang tính chủ động cao của dân tộc ta trong tình hình mới; đó là giữ nước từ xa, từ sớm, “từ khi nước chưa nguy”, “thái bình nên gắng sức, non nước vững nghìn thu”.

Như vậy, đối ngoại giữ vai trò tiên phong trong thực hiện đồng thời 3 nhiệm vụ lớn: Một là, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; hai là, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước; ba là, nâng cao vị thế và uy tín đất nước.

Bộ trưởng cho rằng, cần cụ thể hóa nội hàm vai trò tiên phong của đối ngoại trong thực hiện từng nhiệm vụ chiến lược nói trên trong mối tương quan chặt chẽ với nhau; làm rõ các biện pháp, phương thức, cơ chế phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại.

Tiên phong không có nghĩa là đi một mình, mà cần đặt đối ngoại trong tổng thể các vấn đề đối nội- đối ngoại, phối hợp chặt chẽ các cấp, các ngành, các lĩnh vực và củng cố đồng thuận để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc phục vụ phát triển đất nước.

Thứ ba, về ngoại giao phục vụ phát triển. Nhiều năm nay, đối ngoại và ngoại giao thông qua các hoạt động ngoại giao kinh tế đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội đất nước, nhất là đã tạo dựng được mạng lưới rộng mở các quan hệ đối tác và các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, nhiều bạn bè truyền thống và 15 FTA đã ký, bao gồm các FTA thế hệ mới.

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng là thông điệp quan trọng, xuyên suốt văn kiện Đại hội XIII. Vì vậy, cùng với các cấp, các ngành, tất cả trụ cột của đối ngoại và ngoại giao đều hướng đến và nỗ lực đóng góp vào thực hiện khát vọng, tầm nhìn và mục tiêu phát triển đất nước. Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2021-2030 đã đề ra nhiệm vụ “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm”.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn mong muốn các đại biểu sẽ thảo luận, làm rõ hơn những vấn đề đặt ra đối với ngoại giao kinh tế trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, nhất là về tư duy, nội dung, phương châm và phương thức triển khai, nhằm tranh thủ tốt nhất các điều kiện quốc tế thuận lợi, phát huy tối đa vị thế mới của đất nước và mạng lưới các khuôn khổ hợp tác, các hiệp định FTA để tạo ra nguồn lực và sức mạnh mới cho đất nước, phục vụ hiệu quả người dân, địa phương và doanh nghiệp trong phát triển và hội nhập quốc tế.

Thứ tư, về xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại. Lần đầu tiên văn kiện Đại hội Đảng xác định “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta về xây dựng nền ngoại giao Việt Nam trong tình hình mới. Đây vừa nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, vừa là nhiệm vụ cấp bách, trước mắt.

Bộ trưởng đề nghị các đại biểu thảo luận thực chất, làm rõ hơn nội hàm và biện pháp xây dựng “nền ngoại giao toàn diện, hiện đại”, nhất là làm rõ tính toàn diện, hiện đại về lĩnh vực, chủ thể, con người, bộ máy, phương thức, cơ chế vận hành, đặc biệt là cơ chế phối hợp đồng bộ, thông suốt, chặt chẽ và hiệu quả giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa với đối ngoại quốc phòng, an ninh, văn hóa- xã hội, môi trường, khoa học- công nghệ…

Muốn xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại thì một trong những điều cốt yếu là phải có cán bộ ngoại giao toàn diện, hiện đại. Do đó, cần có những nghiên cứu, trao đổi sâu sắc, nhiều chiều về tiêu chuẩn, phẩm chất và cơ chế chính sách để xây dựng được đội ngũ cán bộ ngoại giao toàn diện, hiện đại.

Bộ trưởng cho rằng, thế giới đang vận động không ngừng, phức tạp, đan xen nhiều cơ hội và thách thức. Vì vậy, những vấn đề Hội thảo hôm nay thảo luận, quán triệt, đặc biệt là các ý kiến, đề xuất và kiến nghị sâu sắc, tâm huyết sẽ góp phần giúp Bộ Ngoại giao triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII, cùng với các binh chủng đối ngoại, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển đất nước.

* Dự kiến trong một ngày, Hội thảo khoa học sẽ có 4 phiên lớn với Phiên 1 là “Cơ hội, thách thức trong triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII”; Phiên 2 là “Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong tình hình mới”; Phiên 3 là “Ngoại giao đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân” và Phiên 4 là “Nền ngoại giao toàn diện, hiện đại”.

Báo TG&VN sẽ tiếp tục thông tin về Hội thảo...