Lãnh đạo Sở Nông nghiệp Nông thôn, Sở Ngoại vụ, Đại học Nông nghiệp tỉnh Vân Nam, đại diện Cục Hợp tác quốc tế Bộ Nông nghiệp Trung Quốc và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La dự lễ khai giảng. |
Khóa tập huấn do Sở Nông nghiệp Nông thôn, Sở Ngoại vụ tỉnh Vân Nam và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh đồng tổ chức.
Tham dự khóa tập huấn có gần 200 học viên đến từ hai nước Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có 144 người là cán bộ của các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hợp tác xã, doanh nghiệp của 6 tỉnh Tây Bắc Việt Nam gồm các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, cùng 54 cán bộ kỹ thuật nông nghiệp và hợp tác xã, doanh nghiệp của châu Hồng Hà, châu Văn Sơn, thành phố Phổ Nhĩ (Trung Quốc).
Tham dự lễ khai giảng, về phía Việt Nam có Tổng lãnh sự Việt Nam tại Côn Minh Nguyễn Trung Hiếu, các đồng chí Lê Tân Phong, Vũ Văn Hiếu, Tống Văn Dương, Chu Thị Thanh Xuân, Nguyễn Đức Điền, Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La.
Về phía tỉnh Vân Nam có đồng chí Trương Mục, Tuần thị viên cấp 1, Sở Nông nghiệp-Nông thôn; đồng chí Vương Vỹ, Phó Chủ nhiệm Sở Ngoại vụ tỉnh Vân Nam; Viện sĩ Chu Hữu Bằng, Hiệu trưởng danh dự Đại học Nông nghiệp tỉnh Vân Nam, cùng đại diện lãnh đạo Cục Hợp tác quốc tế Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, Đại học Nông nghiệp Vân Nam và một số ban, ngành của tỉnh Vân Nam, châu Hồng Hà, châu Văn Sơn và thành phố Phổ Nhĩ.
Các đại biểu dự lễ khai mạc tại điểm cầu tỉnh Vân Nam, Trung Quốc chụp ảnh lưu niệm. |
Phát biểu tại buổi lễ khai giảng, Tổng lãnh sự Nguyễn Trung Hiếu nhấn mạnh, Việt Nam-Trung Quốc núi liền núi, sông liền sông, phong tục tập quán tương đồng. Tỉnh Vân Nam tiếp giáp với 4 tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam. Hành lang kinh tế Côn Minh-Lào Cai-Yên Bái-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh là một trong hai hành lang hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với Trung Quốc.
Hai bên có quan hệ hữu nghị và hợp tác chặt chẽ trên các mặt, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các tỉnh Tây Bắc và các tỉnh dọc hành lang kinh tế của Việt Nam với tỉnh Vân Nam, góp phần quan trọng tô thắm phương châm 16 chữ vàng (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai), quan hệ 4 tốt (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt), quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.
Tổng lãnh sự Nguyễn Trung Hiếu bày tỏ tin tưởng với thành công của lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp hôm nay sẽ giúp cho những cây trồng, sản phẩm nông nghiệp của các tỉnh Việt Nam và châu/thành tỉnh Vân Nam đạt năng suất cao, chất lượng tốt hơn nữa, tượng trưng cho sự đơm hoa kết trái giữa Việt Nam với Vân Nam nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.
Tổng Lãnh sự Nguyễn Trung Hiếu phát biểu tại buổi lễ khai mạc khóa tập huấn. |
Đồng chí Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho rằng, lớp tập huấn về kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao lần này là rất có ý nghĩa và kịp thời. Các nội dung tập huấn sẽ giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp của 6 tỉnh biên giới vùng Tây Bắc Việt Nam tiếp cận được những kiến thức về xây dựng chuỗi giá trị, chế biến chuyên sâu trái cây và rau quả... xây dựng thương hiệu và tiêu thụ thực phẩm đặc sản của Vân Nam.
Đồng chí Trương Mục, Tuần thị viên cấp 1, Sở Nông nghiệp-Nông thôn tỉnh Vân Nam phát biểu. |
Trong phát biểu của mình, đồng chí Trương Mục cho rằng, lớp tập huấn lần này là bước đi quan trọng trong việc thực hiện “Cơ chế hợp tác nông nghiệp giữa tỉnh Vân Nam của Trung Quốc và các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La của Việt Nam” được hai bên xây dựng trong năm nay.
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp nông nghiệp hiện đại đặc trưng của cao nguyên Vân Nam đã phát triển tốt và đạt được kết quả đáng kể. Phù hợp với đặc điểm nông nghiệp Việt Nam, hy vọng qua lớp tập huấn sẽ thúc đẩy nâng cấp công nghiệp và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp khu vực biên giới hai nước, mang lại lợi ích tốt hơn cho người dân hai bên biên giới.
Đồng chí Chu Hữu Dũng, Viện Sĩ Viện Công trình Trung Quốc, Hiệu trưởng danh dự trường Đại học Nông nghiệp Vân Nam. |
Đặc biệt, Khóa tập huấn lần này có sự tham dự giảng dạy của đồng chí Đồng chí Chu Hữu Dũng, Viện sĩ Viện Công trình Trung Quốc, Hiệu trưởng danh dự Đại học Nông nghiệp tỉnh Vân Nam, là đại biểu của tỉnh Vân Nam vừa dự Đại hội XX từ Bắc Kinh trở về.
Phát biểu tại buổi tập huấn, Viện sĩ Chu Hữu Dũng khẳng định, Đại học Nông nghiệp tỉnh Vân Nam là địa chỉ có thế mạnh về khoa học nông nghiệp, nơi cung cấp tài năng, khoa học và công nghệ, hỗ trợ đắc lực cho phát triển nền nông nghiệp đặc trưng của vùng cao nguyên Vân Nam, có mối quan hệ hợp tác tốt với Việt Nam.
Hy vọng thông qua các lớp tập huấn này sẽ thúc đẩy giao lưu hợp tác về các thành tựu khoa học và công nghệ nông nghiệp tiên tiến của Trung Quốc với cán bộ các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh vùng Tây Bắc của Việt Nam, thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật nâng cao năng xuất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp cho các tỉnh biên giới hai nước.
Đồng chí Vương Vỹ, Phó Chủ nhiệm Sở Ngoại vụ tỉnh Vân Nam cho rằng, Trung Quốc và Việt Nam là nước láng giềng Xã hội chủ nghĩa núi sông liên thông, là đối tác quan trọng của hợp tác khu vực, trong những năm gần đây, dưới sự dẫn dắt của Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực không ngừng được đẩy mạnh, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện không ngừng phong phú, đang nỗ lực chung hướng tới xây dựng cộng đồng vận mệnh có ý nghĩa chiến lược.
Nông nghiệp là nền kinh tế của đất nước, liên quan đến sự ổn định xã hội, phát triển kinh tế và phúc lợi của người dân. Nông nghiệp là một ngành công nghiệp trụ cột quan trọng của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và các tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam, phát triển nông nghiệp có ý nghĩa rất lớn đối với các tỉnh, việc trao đổi kỹ thuật nông nghiệp giữa hai Bên sẽ thúc đẩy hiệu quả phát triển nông nghiệp để tăng thu nhập cho nông dân và góp phần thịnh vượng nông thôn.
Tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và các tỉnh Tây Bắc, Việt Nam có vị trí địa lý liền kề, khí hậu và điều kiện tự nhiên tương đồng, hai bên có nhiều kinh nghiệm trong công nghệ nông nghiệp để chia sẻ, thảo luận và học hỏi.
Đồng chí Vương Vỹ cho biết, lớp tập huấn này có nội dung phong phú, hình thức mới lạ, chú ý đến hiệu quả thực tế, cũng mời đại biểu Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Viện sĩ Chu Hữu Dũng của Viện Kỹ thuật Trung Quốc và các chuyên gia hàng đầu khác của Trung Quốc tới giảng dạy. Hy vọng các học viên có thể thu hoạch được nhiều kiến thức, sau khi đào tạo có thể đóng góp thực sự cho sự phát triển nông nghiệp của tỉnh. Sở Ngoại vụ tỉnh Vân Nam sẵn sàng hỗ trợ hợp tác nông nghiệp giữa Tỉnh với các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam.
Khóa tập huấn sẽ kéo dài 4 ngày, với 13 chủ đề chính. Nội dung đào tạo phong phú, bao gồm xử lý sau thu hoạch trái cây và rau quả, khoai tây mùa Đông, bảo quản trái cây nhiệt đới, chế biến trái cây và rau quả, xây dựng thương hiệu thực phẩm đặc sản Vân Nam và tiêu thụ nông sản.