Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Phiên họp thứ 30 của UBTVQH chỉ diễn ra trong một ngày để xem xét, cho ý kiến và quyết định về 3 nội dung: Ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); xem xét, quyết định việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia; xem xét, quyết định việc điều chỉnh địa giới hành chính 2 xã thuộc huyện Hồng Ngự và thành lập thị trấn Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, xem xét, quyết định việc nhập đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương.
Trình bày báo cáo về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, hiện vẫn còn 4 vấn đề lớn có ý kiến khác nhau liên quan đến dự thảo luật. Đó là các vấn đề về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam; về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân; về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại; về trách nhiệm quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu. |
Phát biểu tại phiên họp, nhiều đại biểu rất quan tâm tới nội dung về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam.
Điểm b, Khoản 4, Điều 17 dự thảo Luật quy định: “Căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam. Việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định”.
Theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề nghị bổ sung quy định cho phép trại giam thành lập khu sản xuất, điểm lao động và cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp đề nghị, phải bảo đảm về an ninh, trật tự tại khu vực phạm nhân lao động; thực hiện đầy đủ các chế độ giam giữ, giáo dục cải tạo đối với phạm nhân; bảo đảm công khai, minh bạch việc phân phối lại kết quả lao động của phạm nhân một cách hợp lý (cải thiện bữa ăn, hưởng một phần thu nhập, mức đóng góp vào các quỹ theo quy định...); bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Cùng với đó, Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị quy định mang tính nguyên tắc trong Luật các điều kiện đối với phạm nhân được chọn ra ngoài lao động, như: loại tội, mức hình phạt, thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại, ý thức cải tạo, sức khỏe, độ tuổi lao động của phạm nhân..., trên cơ sở đó, giao Chính phủ quy định chi tiết.
Các đại biểu về cơ bản đều nhất trí với đề xuất quy định về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam, đồng thời nhất trí với 2 điểm đề nghị của Ủy ban Tư pháp.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, quy định như vậy là hợp lý và khắc phục tình trạng quá tải trại giam như hiện nay; đồng thời để cải tạo, bảo đảm sức khỏe của phạm nhân, giúp cải tạo họ thành người lương thiện, làm ra sản phẩm phục vụ cho chính phạm nhân và cho xã hội. Tuy nhiên, ông Hà Ngọc Chiến đề nghị gọi các khu sản xuất, điểm lao động ấy là các phân trại sản xuất, lao động và dạy nghề.
Đồng tình với quy định đề xuất của dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng làm được như vậy, quyền được lao động của phạm nhân sẽ được bảo đảm, phạm nhân vừa có thu nhập tăng thêm lại vừa có tay nghề phục vụ việc tái hòa nhập sau này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng ý về nguyên tắc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam, bởi mặc dù bị giam giữ nhưng phạm nhân cũng vẫn có nhu cầu lao động và lao động là quyền của phạm nhân. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quan điểm cần quy định rõ trong luật về 3 nội dung: Phạm nhân tự nguyện tham gia lao động sản xuất ngoài trại giam; phạm nhân được hưởng thành quả lao động của mình như thế nào; phạm nhân tham gia lao động sản xuất ngoài trại giam được bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về lao động, nhất là về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bảo hộ lao động, điều kiện an toàn vệ sinh…
Giải trình trước UBTVQH, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ, mục tiêu cao nhất là quản lý được phạm nhân và cải tạo phạm nhân trở thành người tốt. Đề xuất tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam phù hợp với yêu cầu, điều kiện và thực tiễn của nước ta. Về đề nghị gọi tên khu sản xuất, điểm lao động này là phân trại, Thượng tướng Tô Lâm cho rằng, nếu là phân trại thì vẫn trong phạm vi của trại giam. Như vậy thì không phải sửa đổi luật, vì nếu vẫn trong phạm vi trại giam và phân trại thì phạm nhân vẫn đang tham gia lao động, doanh nghiệp cũng vẫn có thể hợp đồng đưa sản xuất vào trại giam và phân trại. Còn khái niệm “đưa ra ngoài khu vực trại” thì không phải là trại giam nữa.
Để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với pháp luật trong nước và điều ước, cam kết quốc tế, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam phải đáp ứng được yêu cầu về an ninh, trật tự tại khu vực phạm nhân lao động, thực hiện đầy đủ các chế độ giam giữ, giáo dục cải tạo đối với phạm nhân; quy định mang tính nguyên tắc trong luật, các điều kiện đối với phạm nhân được chọn ra ngoài lao động như loại tội, mức hình phạt, thời gian cải tạo, thái độ cải tạo, ý thức cải tạo, thậm chí giới tính, sức khỏe, độ tuổi lao động.
Cũng tại Phiên họp này, 100% Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành Tờ trình của Chánh án TANDTC việc cử ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước làm Uỷ viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia, thay ông Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đã nghỉ hưu từ 01/10/2018.