Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng phát biểu khai mạc Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội và doanh nghiệp. (Ảnh: Anh Sơn) |
Đây là hoạt động đầu tiên thuộc chuỗi các sự kiện được tổ chức nhân dịp 2 hội nghị trên.
Sự kiện có sự tham dự của các nguyên Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện (CQĐD) Việt Nam ở nước ngoài, Tổng Lãnh sự, các Trưởng Cơ quan đại diện mới được tiến cử, đại diện lãnh đạo các bộ Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, các ngành, địa phương, và đại diện hơn 300 hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nhận định: "Đại hội XIII của Đảng xác định chủ trương “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”. Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư xác định Ngoại giao kinh tế (NGKT) là nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của Ngoại giao VN.
Nhìn lại gần 3 năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, và từ những bài học thực tiễn trong triển khai công tác NGKT, nhất là chiến dịch ngoại giao vaccine (NGVX) hết sức thành công, có thể khẳng định tư duy, nhận thức của Bộ Ngoại giao, các CQĐD, các bộ, ngành về vai trò cơ bản, trung tâm của công tác NGKT đã có những chuyển biến hết sức sâu sắc, đột phá. Những chuyển biến về tư duy đó là động lực thúc đẩy chuyển biến về hành động, quyết liệt, thực chất và hiệu quả trong triển khai công tác NGKT của Bộ và các CQĐD ta ở nước ngoài.
Ở góc độ Ban Chỉ đạo NGKT, chúng tôi nhận thấy nhiệm vụ NGKT đã được triển khai hết sức quyết liệt ở các CQĐD VN ở nước ngoài. Ở đây là sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và bài bản giữa ĐSQ với các cơ quan Thương vụ, KHCN và NNPTNT".
Thứ trưởng cho rằng, NGKT đã chuyển biến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế xã hội đất nước. NGKT trở thành nội hàm trung tâm xuyên suốt trong các hoạt động đối ngoại các cấp, nhất là cấp cao, góp phần duy trì cục diện hòa bình…, thuận lợi cho phát triển đất nước, tạo dựng được các khuôn khổ hợp tác kinh tế quan trọng, cân bằng, tạo ra cơ hội mới, thời cơ mới.
Theo Thứ trưởng, thời gian qua, Bộ Ngoại giao và các CQĐD đã tích cực đồng hành, phục vụ cùng các bộ, ngành kinh tế hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp mở rộng quan hệ đối ngoại, thu hút các nguồn lực, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn.
Tình hình thế giới và kinh tế thế giới bước vào giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều thập kỷ (Covid-19; môi trường tiền tệ thắt chặt, lạm phát và lãi suất cao kỷ lục; cạnh tranh chiến lược nước lớn thúc đẩy xu thế “chính trị hoá, an ninh hoá” hợp tác kinh tế; tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng...). Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh bảo về “một thập kỷ mất mát” đang ở phía trước.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm. (Ảnh: Anh Sơn) |
Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh: "Hơn ai hết, các Đại sứ ở tuyến đầu cảm nhận được những khó khăn của tình hình kinh tế thế giới, khu vực và sở tại. Hơn ai hết, các doanh nghiệp không chỉ cảm nhận mà phải chèo chống, thích ứng, vượt qua giông bão, khó khăn.
Bộ Ngoại giao chia sẻ những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trong những năm qua. Và cũng xin chúc mừng, đánh giá rất cao những nỗ lực to lớn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đã thích ứng để vượt qua thách thức, phục hồi tích cực và vươn lên mạnh mẽ, đóng góp quan trọng để kinh tế đất nước phục hồi và phát triển tích cực.
Trong bối cảnh đó, sự phối hợp và đồng hành của Bộ Ngoại giao với các doanh nghiệp càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết để có những đóng góp hiệu quả, thực chất".
Với 3 phiên gồm: Cơ hội và thách thức mới đối với doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập; Thúc đẩy hợp tác đầu tư công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi năng lượng; Phát triển ngành Halal, Tọa đàm tập trung vào mục tiêu và trọng tâm:
- Thứ nhất, đánh giá thực chất các cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp, nhất là từ các thành quả của công tác đối ngoại, hội nhập của Việt Nam thời gian gần đây, trong bối cảnh tình hình thế giới dự báo tiếp tục khó khăn và trước các quy định, tiêu chuẩn mới được đẩy mạnh thực thi như hiện nay.
- Thứ hai, đề xuất các giải pháp cụ thể để tận dụng các cơ hội và hạn chế các thách thức, khó khăn cả trong ngắn hạn và dài hạn giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, đầu tư, tận dụng các xu hướng mới, mở ra các ngành lĩnh vực mới. Để làm được, cần phối hợp BNG, CQĐD và doanh nghiệp như thế nào?
- Thứ ba, tăng cường gặp gỡ, trao đổi trực tiếp giữa Trưởng CQĐD với các doanh nghiệp nhằm đưa ra những kiến nghị, đặt hàng cụ thể, thực chất. Hoạt động gặp gỡ sau Tọa đàm theo khu vực khác nhau sẽ là cơ hội tốt để có những trao đổi về hướng triển khai thời gian tới.
Sau phần thảo luận tại hội trường chính, các đại biểu sẽ tham dự các phiên kết nối giữa các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp. Sự kiện được tổ chức theo hình thức kết nối trực tiếp tại các vị trí do Ban tổ chức chuẩn bị sẵn, được chia theo chia theo khu vực địa lý.
Phiên thảo luận thứ nhất Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội và doanh nghiệp. (Ảnh: Anh Sơn) |