Ấn Độ, vốn được coi là “viên ngọc quý trên vương miện” của đế chế Anh mở rộng, tiếp tục giữ một vị trí đặc biệt ngay cả trong thời kỳ hậu thuộc địa. Nữ hoàng Anh Elizabeth II và Hoàng thân Philip (1921-2021) nhiều lần thăm đất nước sông Hằng sau khi giành độc lập năm 1947.
Vào ngày 21/1/1959, Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru đã chào đón Hoàng thân Philip đến New Delhi. Hoàng thân Philip khi đó đang ở chặng đầu tiên trong chuyến công du vòng quanh thế giới và dự kiến sẽ dành hai tuần ở Ấn Độ. Sau đó, Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip đã có ba chuyến thăm đến Ấn Độ, vào các năm 1961, 1983 và 1997. (Nguồn: AP)
Trong chuyến thăm Ấn Độ năm 1961, Nữ hoàng Elizabeth II và Công tước xứ Edinburgh là khách mời danh dự trong Lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa và đến thăm Bombay (nay là Mumbai), Madras (nay là Chennai), Jaipur, Agra và Calcutta (nay là Kolkata). Thủ tướng Jawaharlal Nehru, Tổng thống Rajendra Prasad, Phó Tổng thống Sarvepalli Radhakrishnan, Cao ủy Ấn Độ tại Vương quốc Anh Vijaya Lakshmi Pandit đã chào đón Cặp đôi Hoàng gia Anh. Ảnh chụp Nữ hoàng Elizabeth II và Công tước xứ Edinburgh tại Sân bay Palam. (Nguồn: AFP)
Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip thể hiện sự kính trọng tại đài tưởng niệm Mahatma Gandhi (1869-1948), nhà lãnh đạo, vị anh hùng dân tộc vĩ đại của Ấn Độ ở thủ đô New Delhi vào ngày 22/1/1961. Tháp tùng cặp đôi Hoàng gia là Cao ủy Ấn Độ tại Vương quốc Anh Vijaya Lakshmi Pandit. (Nguồn: AFP)
Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi, Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip tại Phủ Thủ tướng ở thủ đô New Delhi ngày 18/11/1983.
Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi chào đón Hoàng thân Philip trong chuyến thăm Ấn Độ, ngày 2/11/1989. Ảnh chụp tại Lễ khánh thành triển lãm về môi trường thế giới ở New Delhi. Công tước xứ Edinburgh là khách mời chính trong buổi lễ với tư cách là Chủ tịch Quỹ quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF). (Nguồn: AFP)
Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip thăm đất nước sông Hằng lần cuối cùng vào năm 1997, đánh dấu 50 năm Ngày Độc lập của Ấn Độ. Ảnh chụp cặp đôi Hoàng gia đến Jallianwala Bagh ở Amritsar - nơi tưởng niệm những người đã thiệt mạng trong cuộc thảm sát diễn ra vào ngày 13/4/1919. (Nguồn: PTI)