Tổng Thư ký NATO tuyên bố, liên minh này không coi Trung Quốc là đối thủ, trong khi sẽ duy trì cách tiếp cận kép với Nga. (Nguồn: AP) |
Phát biểu trong một sự kiện trực tuyến do Viện Brookings tổ chức, Tổng Thư ký Stoltenberg nêu rõ: "Trung Quốc đang khẳng định mình trên vũ đài quốc tế. NATO không coi Trung Quốc là một đối thủ. Có nhiều cơ hội để phối hợp với Bắc Kinh trong các vấn đề như thương mại, biến đổi khí hậu và kiểm soát vũ khí".
Theo ông Stoltenberg, trong khái niệm chiến lược hiện nay của NATO, liên minh này không đề cập Trung Quốc bằng một từ đơn lẻ: "Tôi có thể đảm bảo rằng, trong Khái niệm Chiến lược mới, Trung Quốc sẽ được nhắc đến".
Người đứng đầu NATO cũng lưu ý rằng, thông cáo trong tương lai đưa ra sau Hội nghị Thượng đỉnh NATO vào ngày 14/6 tới sẽ bao gồm "nhiều nội dung" về Trung Quốc hơn bao giờ hết, trong đó có những quyết định cụ thể sẽ đề cập tiến bộ công nghệ của Bắc Kinh và cách thức để bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu của các nước thành viên NATO trước các mối đe dọa tiềm tàng trên không gian mạng.
Ngoài ra, ông Stoltenberg cho biết, NATO thừa nhận sự thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu, vốn là kết quả của sự trỗi dậy của Trung Quốc, đã gây ra một số vấn đề an ninh, bao gồm cả việc NATO trở nên quan trọng hơn đối với Mỹ.
Về quan hệ với Nga, Tổng Thư ký NATO cho rằng, "có một sự ủng hộ rộng rãi trong NATO đối với cái mà chúng tôi gọi là cách tiếp cận kép đối với Nga".
Ông Stoltenberg thừa nhận, mối quan hệ giữa Brussels và Moscow đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, cáo buộc Nga có những "hành động gây hấn" tại Georgia và Ukraine, cũng như việc tăng cường quân sự tại nhiều khu vực khác trên thế giới.
Ngoài ra, người đứng đầu NATO cũng nhấn mạnh, Nga là nước láng giềng với NATO, khối này cần phải thảo luận với Moscow về nhiều vấn đề, trong đó có kiểm soát vũ khí và cách quản lý các mối quan hệ.