📞

Khai trương Cảng container quốc tế Hải Phòng

19:00 | 13/05/2018
Chiều 13/5, trong chuyến công tác tại Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự lễ khai trương và đón chuyến tàu đầu tiên cập Cảng container quốc tế Hải Phòng (HICT).

Cùng dự có ông Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo TP. Hải Phòng, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân; các doanh nghiệp, hiệp hội...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu cắt băng khai trương Cảng container quốc tế Hải Phòng.

Cảng do liên doanh giữa Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (giữ 51% vốn), Công ty TNHH MITSUI O.S.K Lines Nhật Bản, Công ty Wan Hai Lines Đài Loan và Tập đoàn Itochu Nhật Bản đầu tư.

Cảng (HICT) nằm ở thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng - cảng nước sâu đầu tiên của khu vực kinh tế trọng điểm phía bắc, tiếp nhận tàu container sức chở 14.000 TEU, tàu tổng hợp có trọng tải đến 16 vạn DWT đưa hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực miền Bắc đi thẳng tới châu Âu, châu Mỹ trên các tàu mẹ thay vì phải trung chuyển qua một cảng khác như trước đây.

Cảng HICT đi vào khai thác sẽ góp phần giảm chi phí vận tải biển, qua đó giảm thiểu chi phí logistics cho các doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam; tạo động lực cho sự phát triển hệ thống cảng biển nước sâu và các hoạt động logistics khu vực phía bắc và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Cảng HICT cách thành phố Hải Phòng khoảng 25 km về phía đông bắc, được xây dựng trên diện tích 44,9 ha bãi, độ sâu trước bến 16 m; vũng quay tàu rộng 660 m, độ sâu luồng tàu 14 m (chưa tính thủy triều). Sản lượng hàng hóa thông qua cảng 1,1 triệu TEU/năm.

Thủ tướng phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực của chủ đầu tư với 4 thành viên liên doanh, các nhà thầu thi công, các bộ, ngành và TP. Hải Phòng, người lao động, sự chia sẻ của người dân thuộc phạm vi ảnh hưởng của dự án, đã thực hiện khối lượng công việc rất lớn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, sau đúng 2 năm 1 ngày kể từ khi khởi công dự án.

Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng trân trọng cảm ơn Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã ủng hộ và hợp tác chặt chẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho dự  án, góp phần khẳng định tình hữu nghị và mối quan hệ hợp tác quốc tế bền vững Việt Nam - Nhật Bản.

Container đầu tiên được xếp dỡ tại Cảng container quốc tế Hải Phòng.

Thời gian tới, để khai thác và vận hành cảng an toàn và hiệu quả cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Công ty TNHH Cảng Container quốc tế Hải Phòng có giải pháp hiện đại hóa trong tổ chức sản xuất, giao nhận hàng hóa, phục vụ hãng tàu, khách hàng xuất nhập khẩu với chất lượng cao. Cùng với đó là tổ chức dịch vụ logistic tốt và hiệu quả để góp phần giảm chi phí vận tải biển, qua đó giảm chi phí logistic cho doanh nghiệp. Công ty cũng cần xây dựng trở thành cảng hiện đại, tự động hóa, áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, ngành, địa phương phát triển đồng bộ các phương thức vận tải, kết nối với khu bến cảng Lạch Huyện, đáp ứng vai trò là Cảng container quốc tế. Tập trung cải tạo nâng cấp đường thủy nội địa, tuyến đường sắt vận tải hàng hóa từ các trung tâm kinh tế kết nối với bến cảng, nhằm tăng lượng hàng hóa thông qua Cảng Container quốc tế Hải Phòng nói riêng và khu vực các cảng Hải Phòng nói chung, qua đó, nâng cao tính cạnh tranh quốc gia về dịch vụ cảng biển. Thủ tướng cũng lưu ý lãnh đạo Công ty quản lý cảng cần phối hợp tốt hơn với các cảng lớn khác ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng, TPHCM…

Thủ tướng đề nghị Lãnh đạo và nhân dân TP. Hải Phòng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện, phát huy hiệu quả dự  án, nhất là về hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, đảm bảo an ninh, trật tự trên đia bàn; khuyến khích nhà đầu tư hạ tầng, dịch vụ logistics tham gia đầu tư vào khu vực Đình Vũ-Cát Hải và vùng phụ cận, đảm bảo phát triển đồng bộ Cảng Lạch Huyện.

Thủ tướng yêu cầu nhà đầu tư cảng cần tích cực hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, sớm triển khai các hợp phần còn lại của dự án, đáp ứng xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; các nhà thầu thi công nỗ lực bảo đảm tiến độ các tiến độ công việc còn lại, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong thi công và chất lượng thi công.