Khám phá Dinh thự Vua Mèo: Công trình trăm năm tuổi ở Đồng Văn, Hà Giang
Kha Ninh
07:15 | 18/12/2024
Với kiến trúc độc đáo, pha trộn giữa 3 nền văn hóa Trung Quốc, người Mông và Pháp, Dinh thự Vua Mèo là điểm đến yêu thích của du khách khi tới cao nguyên đá Hà Giang.
|
Dinh thự vua Mèo, hay còn được biết đến với cái tên Dinh thự họ Vương, tọa lạc tại thung lũng Sà Phìn, xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 125km và cách cao nguyên đá Đồng Văn nổi tiếng chỉ 15km. (Nguồn: Hanoi Tourist) |
|
Căn nhà cổ này gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của 2 cha con người Mông là Vua Mèo Vương Chính Đức và Vương Chí Sình (hay Vương Chí Thành). Ông Vương Chính Đức (1886 - 1962) là người đứng đầu chế độ thổ ty phong kiến miền núi của dân tộc Mông nên còn được gọi với cái tên đầy quyền lực là Vua Mèo. (Nguồn: VnExpress) |
|
Dinh thự Vua Mèo được xây dựng từ năm 1898 đến 1907, rộng gần 3.000 m², nằm trên một khối đất cao ráo, bao quanh là các dãy núi hình vòng cung. Công trình có ảnh hưởng kiến trúc của 3 nền văn hóa: Trung Quốc, người Mông và Pháp. Quá trình xây dựng tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng ngày nay. (Nguồn: VTC News) |
|
Theo đó, công trình mang nét văn hóa của người Mông ở kỹ thuật xếp đá làm bức tường đá bao quanh tòa dinh thự, kỹ thuật trình tường nhà bằng đất sét, kỹ thuật làm ngói âm dương, hình tượng quả thuốc phiện làm đá kè chân cột nhà trạm khắc gỗ hình hoa đào, mận, lê... Hiện nay, khu di tích này cũng là Nhà thờ của dòng họ Vương người Mông ở Hà Giang và mở cửa cho du khách tham quan có thu phí. (Nguồn: Dulich Today) |
|
Đi từ thấp lên cao qua tiền dinh, trung dinh rồi tới hậu dinh, nhà gỗ 2 tầng với 64 phòng liên thông, mái nhà lợp ngói âm dương, nóc nhà và các đầu hồi có các hình uốn lượn, trong nhà có các sân theo quy luật phong thủy, mang đậm phong cách của văn hóa Trung Quốc. (Ảnh: Khánh Hmoong) |
|
Do ảnh hưởng của kiến trúc Pháp, một số phòng có lò sưởi, có 2 lô cột tại khu vực hậu dinh, cửa sổ có 3 lớp (ngoài cùng cửa gỗ, giữa là lớp chấn song bằng sắt, trong cùng là cửa kính), vật liệu sắt, kinh được chở từ Pháp sang. (Nguồn: Wikipedia) |
|
Dù có sự kết hợp của 3 nền văn hóa trong kiến trúc nhưng nhiều người nhận xét rằng dinh thự họ Vương vô cùng hài hòa, uyển chuyển nhịp nhàng như thành một khối thống nhất mà không hề gò bó, khiên cưỡng. (Nguồn: VTC News) |
|
Tòa dinh mang hình dáng của chiếc mai rùa, xung quanh gò đất được bao phủ bởi dãy núi Đồng Văn hùng vĩ, mây phủ bốn mùa. Công trình vẫn được lưu giữ nguyên vẹn, tạo ấn tượng mạnh mẽ với du khách. (Ảnh: Lê Anh Văn Tài) |
|
Nét đặc sắc của khu dinh thự nằm ở cấu trúc và cách bố trí các phòng. Dinh thự như một pháo đài kiên cố, các bức tường dày, được xây bằng đá xanh, ngói đất nung và đồ gỗ trong các dãy nhà là gỗ thông đá. (Nguồn: Mia.vn) |
|
Ngay từ cổng vào của toà dinh thự này có thể dễ dàng bắt gặp kiến trúc quen thuộc của người Mông ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn đó là những bức tường rào đá. Tường rào đá có công năng phòng thủ với chiều dài 265m, độ dầy trung bình từ 0,65m, cao hơn 2m. (Nguồn: Lao động) |
|
Cửa chính được uốn cong, phần mái vòm kết hợp giữa vật liệu gỗ và đất nung, chạm khắc nhiều kiểu hoa văn, họa tiết tinh xảo. Bước qua cánh cổng thứ nhất sẽ bắt gặp cánh cổng thứ 2 mang màu sắc kiến trúc của người Hoa (Trung Quốc) với kiểu mái vòm đặc trưng. (Nguồn: Wikipedia) |
|
Đi vào khu vực trung tâm của toà dinh thự sẽ thấy đặc trưng của lối kiến trúc người Hoa với Tứ hợp phòng (phòng ốc ở 4 phía bao quanh sân nhà), tất cả đều được làm bằng gỗ. Lan can xây dựng theo kiểu khung hoa sắt, kiến trúc đặc thù của Pháp những năm đầu thế kỷ XX. Dinh có đầy đủ các chức năng như: sinh sống, làm việc và pháo đài quân sự phòng thủ. Dinh có 2 lô cốt để phòng thủ, có kho cất giữ tài sản, kho vũ khí, cách bố trí các phòng tựa như một thành quách thu nhỏ. (Nguồn: Traveloka) |
|
Gian chính của toà nhà là nơi tiếp khách với những hiện vật từ trăm năm trước được lưu giữ. (Nguồn: Lao động) |
|
Phía ngoài gian chính giữa có treo một bức hoành phi bằng chữ Hán do Vua nhà Nguyễn Khải Định phong tặng vua Mèo “Biên chính khả phong”, năm Khải Định 8 (1923). (Ảnh: Quỳnh Hiên) |
|
Mái của Dinh được lợp toàn bộ bằng ngói âm dương màu ghi xanh, ngói ống trang trí hoa văn hình chữ “Thọ”, có thể chống được thời tiết khắc nghiệt nơi đây. (Nguồn: Vietsense) |
|
Nhìn chung, đa số nội thất và vật dụng gắn liền với Vua Mèo khi còn sống đều được lưu giữ và bảo quản tốt đến tận ngày nay. Duy chỉ có một số ghế và đồ gỗ được làm bằng thông đá, về sau đã được Nhà nước ta thay đổi bằng gỗ lim và gỗ nghiến để không bị mai một dần theo thời gian. (Ảnh: Hồng Vĩnh) |
|
Nhờ lịch sử lâu đời và giá trị văn hóa không thể bàn cãi, Dinh thự Vua Mèo đã được Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia năm 1993. Trải qua gần 120 năm thăng trầm của lịch sử, sự khắc nghiệt khí hậu, thiên nhiên, di tích lịch sử nhà Vương vẫn luôn giữ được hình dáng xưa cũ cùng với những giá trị lịch sử một thời. (Nguồn: Hanoi Tourist) |
|
Quanh Dinh thự Vua Mèo có khá nhiều điểm du lịch nổi tiếng, du khách có thể kết hợp các điểm tham quan này với nhau. Rừng thông Yên Minh nằm ngay trên đường vào Dinh thự, sở hữu khung cảnh bình yên và nên thơ hệt như nàng thiếu nữ miền sơn cước. Men theo cung đường uốn lượn là những cánh rừng thông bạt ngàn, kéo dài hàng chục cây số. Từ rừng thông Yên Minh, du khách còn được ngắm nghía những bản làng đơn sơ của đồng bào Mông. (Nguồn: Crystal Bay) |
|
Chợ phiên Sà Phìn nằm đối diện dinh thự, sôi động và tấp nập hơn hẳn so với chợ phiên Đồng Văn. Cũng như nhiều phiên chợ khác ở Hà Giang, Sà Phìn là phiên chợ lùi – phiên chợ tuần này sẽ lùi lại 1 ngày so với tuần trước đó. Đến chợ phiên Sà Phìn, du khách có thể mua đồ lưu niệm và thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương như cháo ấu tẩu, bánh tam giác mạch, rượu ngô… (Nguồn: Hachi8) |
|
Nằm cách Dinh thự Họ Vương không xa chính là những cánh đồng hoa tam giác mạch ngút ngàn. Để ngắm nhìn trọn vẹn vẻ đẹp của loài hoa này, du khách nên đi vào tầm tháng 10 hằng năm. Đặc biệt, đây cũng chính là khung cảnh “sống ảo” mơ ước để các tín đồ check-in khi đi du lịch Hà Giang. (Nguồn: Traveloka) |