Tham gia đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu có Trung tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ và UBND TPHCM.
Đoàn công tác đã đi thị sát tình trạng quá tải trong hoạt động khai thác tại sân bay Tân Sơn Nhất, kiểm tra tiến độ công trình nhà ga Nhà hát Thành phố thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1. Đoàn công tác cũng đã có cuộc làm việc với UBND TPHCM về tình hình triển khai các dự án giao thông đô thị khu vực cảng hàng không Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái.
Đối với sân bay Tân Sơn Nhất, năm 2015, sân bay đã phục vụ hơn 181.000 lượt chuyến bay (tăng 18% so với cùng kỳ năm trước), sản lượng hành khách đạt hơn 26,5 triệu. Sang năm 2016, tính từ đầu năm đến hết ngày 28/6, số lượt cất - hạ cánh đạt hơn 106.600 lượt chuyến bay (đạt 51,70% kế hoạch, tăng 21,84 so với cùng kỳ năm trước). Sản lượng hành khách đạt hơn 15,8 triệu lượt, (tăng 25,18% so với cùng kỳ năm trước). Dự báo cả năm 2016, hành khách qua sân bay đạt khoảng 31 triệu lượt.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát tình trạng quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: VGP). |
Trong khi đó, công suất thiết kế của sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có thể đáp ứng 25 triệu hành khách/năm vào năm 2020. Như vậy, lượng hành khách đã vượt công suất thiết kế trước 5 năm.
Theo thống kê, tần suất bay trung bình đã đạt 630 lượt chuyến đến/đi trong ngày, ngày cao điểm nhất đạt 663 lượt. Dự báo, tần suất bay ngày cao điểm nhất lịch bay mùa hè 2016 sẽ đạt hơn 750 lượt chuyến bay đến/đi, cao nhất từ trước đến nay và vượt cả ngày cao điểm dịp Tết Nguyên đán 2016. Trong tháng 6, khi áp dụng điều phối giờ cất - hạ cánh (slot) cao điểm đến 42 chuyến/giờ, tần suất các chuyến bay phải bay chờ trên vùng trời tiếp cận tăng cao.
Về nhu cầu sân đỗ máy bay, hiện tại, sân bay Tân Sơn Nhất có 51 vị trí đỗ tàu bay khai thác thương mại. Trong khi đó, theo quy hoạch được duyệt sẽ có 82 vị trí để phục vụ 25 triệu lượt hành khách.
Các nhà ga của sân bay Tân Sơn Nhất cũng đang phải phục vụ lượng hành khách cao gấp rưỡi công suất thiết kế. Công suất thiết kế nhà ga quốc nội là 13 triệu khách/năm, trong khi năm 2015 đã là hơn 16 triệu hành khách. Dự kiến năm 2016, con số này sẽ đạt hơn 19,8 triệu hành khách, gấp rưỡi công suất thiết kế.
Bên ngoài sân bay, các tuyến đường kết nối với cảng cũng thường xuyên ách tắc. Đường Bạch Đằng, Hồng Hà đang trong giai đoạn thi công nên mặt đường dành cho lưu thông bị thu hẹp. Các tuyến đường Trần Quốc Hoàn - Trường Sơn - Bạch Đằng - Hồng Hà thường xuyên ách tắc. Trong những ngày gần đây, tình trạng ách tắc trên các tuyến đường lân cận, đặc biệt là đường Trường Sơn - tuyến độc đạo ra, vào sân bay - xảy ra rất nghiêm trọng.
Mở thêm đường, xây thêm nhà ga
“Giải quyết ách tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất là vô cùng bức thiết”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói sau khi nghe báo cáo và trực tiếp đi kiểm tra hoạt động khai thác bay.
Tại cuộc họp bàn về các giải pháp khắc phục, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật nhắc lại nhiều lần việc các đơn vị liên quan phải coi đây là nhiệm vụ quốc gia, chứ không phải của riêng ngành giao thông hay TPHCM. “Nếu không sẽ không bao giờ xử lý được”, ông Nhật nói.
Hiện tại, ngành giao thông vận tải đã chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam nghiên cứu, xây dựng và thực hiện phương án bố trí lại mặt bằng, mở rộng 2 nhà ga hành khách trên phần đất hiện hữu của Cảng để nâng tổng công suất 2 nhà ga lên khoảng 30 triệu hành khách/năm. Việc mở rộng hai nhà ga được thực hiện từ nay đến cuối năm 2016.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: |
Về lâu dài, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng và UBND TPHCM sẽ phối hợp chặt chẽ để giải quyết các thủ tục pháp lý, tài chính có liên quan để tiến hành xây mới một hoặc 2 nhà ga hành khách lưỡng dụng, công suất từ 10-15 triệu lượt hành khách/năm trên đất hiện do quân đội quản lý.
Cùng với đó, ngành giao thông vận tải cũng đang làm việc chặt chẽ với Bộ Quốc phòng triển khai phương án để Bộ Giao thông vận tải đầu tư mở rộng, khai thác sân đỗ quân sự cho hoạt động hàng không dân dụng. Dự kiến, có thể mở rộng thêm ít nhất 30 vị trí đỗ máy bay.
Nếu những kế hoạch này được Chính phủ phê duyệt, việc cải tạo 2 nhà ga hiện hữu, xây mới nhà ga lưỡng dụng, mở rộng sân đỗ sẽ giúp nâng tổng công suất của hệ thống nhà ga hành khách tại Tân Sơn Nhất lên khoảng 40 triệu hành khách/năm.
Để giảm ùn tắc ngoài sân bay, Bộ Giao thông vận tải đang cùng với UBND TPHCM đẩy nhanh tiến độ các dự án như đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi; xây dựng cầu vượt tại các nút Trường Sơn - Hồng Hà; Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám - Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn - Bạch Đằng; mở rộng đường Hoàng Minh Giám.
TPHCM cũng kiến nghị Chính phủ cho phép đầu tư mới 2 cầu vượt tại nút giao đường Trường Sơn với đường nối Tân Sơn Nhất, Bình Lợi-Vành Đai ngoài và cầu vượt tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm. Hai dự án này được TPHCM đề nghị cho áp dụng cơ chế thực hiện công trình theo lệnh khẩn cấp, áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu để rút ngắn thời gian chuẩn bị, khởi công trong thời gian từ nay đến cuối năm.
Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp chống ùn tắc như tổ chức phân luồng, mở thêm tuyến xe buýt từ sân bay về Thành phố.
Tại cuộc họp, UBND TPHCM cũng báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về việc sẽ tiến hành khảo sát, thống nhất phương án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám; mở đường song song với đường Cộng Hoà (từ ngã tư Phan Thúc Duyện) đi trên đất quốc phòng nối với đường Hoàng Hoa Thám. Khi con đường này được hoàn thành, sẽ kết nối nhà ga lưỡng dụng dự kiến xây mới với các trục đường hiện tại.
Hành động khẩn trương
Kết luận nội dung làm việc này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhất trí với đề xuất phải có các giải pháp cấp bách, cả trước mắt, cả lâu dài để khắc phục tình trạng quá tải trầm trọng tại sân bay Tân Sơn Nhất.
“Ách tắc dưới mặt đất đã dẫn đến ách tắc trên trời và gây ra nguy cơ cao về mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng, tài sản. Sân bay Long Thành nếu làm được sớm thì cũng phải đến 2025 mới có thể đưa vào sử dụng, do đó sẽ phải có ngay giải pháp khắc phục, đáp ứng nhu cầu, bảo đảm an toàn bay trong ít nhất là 10 năm tới”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc bàn về giải pháp khắc phục tình trạng quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: VGP). |
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nâng cấp, nâng cao năng lực các sân bay hiện có là phương án tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp nhất, do đó yêu cầu phải tập trung tối đa để nhanh chóng triển khai thực hiện. “Nếu không làm, đây sẽ là nút thắt lớn cho TPHCM, cho cả nền kinh tế; đe dọa an toàn hàng không”, Phó Thủ tướng phân tích.
Do tính chất cấp bách, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu trước mắt Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng không dân dụng và các cơ quan chuyên môn triển khai các giải pháp trong điều hành bay nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn đối với tất cả các chuyến bay. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với UBND TPHCM để có giải pháp tổ chức giao thông ra - vào sân bay hợp lý hơn, hạn chế ách tắc.
Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Quốc phòng đưa ra phương án tối ưu nhất để nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đó, có việc đầu tư thêm nhà ga hành khách quy mô hơn 10 triệu khách/năm, đầu tư bến đỗ, đường lăn... báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Về nguồn lực, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị ưu tiên các nguồn vốn xã hội, khuyến khích thực hiện theo các hình thức đối tác công-tư, mục tiêu là phải triển khai thực hiện càng nhanh càng tốt để bảo đảm đủ năng lực vận tải hành khách, hàng hoá nhưng an toàn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng giao UBND TPHCM nghiên cứu, tiến hành các thủ tục để đầu tư ngay 2 cầu vượt, đầu tư tuyến đường mới vào sân bay sau khi được phê duyệt.