Phó Thủ tướng mong muốn được nghe ý kiến trực tiếp, yêu cầu cụ thể từ các trưởng ban biên soạn chuyên ngành đối với Chính phủ, hai Viện Hàn lâm, Hội đồng Chỉ đạo biên soạn, để các nhà khoa học hoàn thành tốt nhất công việc của mình.
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Bách khoa Toàn thư Việt Nam cho biết hiện nay công tác chuẩn bị đang được tích cực thực hiện như: Xây dựng quy chế hoạt động, cẩm nang, cách thức biên soạn, quy trình kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu từng mục từ, từng quyển, khả năng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc. (Nguồn: VGP) |
Sau khi nghe kiến nghị, đề xuất của các nhà khoa học, nhấn mạnh tính mở trong cơ cấu tổ chức các ban chuyên ngành cũng như trong quá trình biên soạn, Phó Thủ tướng cho rằng quyết định thành lập các ban chuyên ngành là bộ khung nền tảng ban đầu, còn trong quá trình hoạt động là hoàn toàn linh hoạt để thu hút sự tham gia cống hiến của tất cả các nhà khoa học cũng như của cộng đồng.
“Tinh thần là cơ cấu tổ chức linh hoạt, cởi mở trong từng nhóm, từng ban chuyên ngành, thậm chí một nhà khoa học có thể tham gia biên soạn tại nhiều ban chuyên ngành khác nhau và mở ra ngoài xã hội, cộng đồng”, Phó Thủ tướng nói.
Về phương thức biên soạn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến tính mở từ quá trình xây dựng đề cương, phạm vi kiến thức đến phân chia thành các quyển, tập bách khoa thư sao cho khoa học, hợp lý, làm rõ hội hàm, đặc thù của Việt Nam so với các bộ bách khoa toàn thư trên thế giới. Trong đó, việc quan trọng và cấp thiết là khẩn trương xây dựng Cổng Bách khoa Toàn thư Việt Nam kèm theo công cụ biên soạn trực tuyến để cộng đồng các nhà khoa học có thể cập nhật, giải thích, bổ sung các mục từ, sự kiện…
“Thay vì cách làm truyền thống là làm xong bản giấy mới cập nhật lên bản điện tử, thì nay chúng ta làm ngược lại là đăng tải các mục từ được biên soạn lên Cổng Bách khoa Toàn thư Việt Nam để ghi nhận, tiếp thu ý kiến đóng góp, thẩm định từ các nhà khoa học, nhà quản lý và tất cả những người quan tâm đến việc biên soạn Bách khoa Toàn thư Việt Nam ở trong và ngoài nước. Sau khi hoàn chỉnh thì chúng ta in lại thành bản giấy theo định kỳ 5-10 năm một lần, còn bản điện tử liên tục cập nhật. Quan trọng là chúng ta thống nhất được cách làm ngay từ đầu vì khi triển khai thì đây sẽ là một quá trình liên tục”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc biên soạn Bách khoa Toàn thư Việt Nam là hết sức có ý nghĩa nhằm giới thiệu một cách toàn diện, có hệ thống, chuẩn xác những tri thức cơ bản nhất về đất nước, con người, lịch sử xã hội, văn hóa, khoa học-công nghệ của Việt Nam và thế giới từ xưa đến nay… Đây vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm của cộng đồng khoa học Việt Nam.