📞

Khẳng định thương hiệu Đồng Tháp trong mắt nhà đầu tư châu Âu

Thành Hải 09:20 | 30/11/2022
Những năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã khẳng định được thương hiệu riêng thông qua hệ thống chính quyền thân thiện, cơ chế chính sách thông thoáng, thủ tục hành chính công khai, minh bạch...

Trong những năm qua, nhờ nỗ lực đổi mời, sáng tạo và khác biệt trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của các cấp chính quyền, tỉnh Đồng Tháp đã khẳng định được thương hiệu riêng với hệ thống chính quyền thân thiện, đồng hành cùng doanh nghiệp; cơ chế chính sách thông thoáng, thủ tục hành chính công khai, minh bạch...

Đồng Tháp hiện là tỉnh dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong Top 3 cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX). Đây là những kết quả nổi bật sau bốn năm quyết liệt triển khai thực hiện Đề án tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2017-2020.

Đồng Tháp được vinh danh trong Top 3 tỉnh thành có chỉ số PCI 2021 cao nhất. (Nguồn: Báo Đồng Tháp)

Sự phục hồi kinh tế của tỉnh ở mức tăng trưởng cao hơn so với kỳ vọng, ước cả năm 2022 đạt 9,11% so với kế hoạch 7,0%, quy mô kinh tế đạt 100.171 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt hơn 62 triệu đồng (tương đương 2.675 USD). Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 của Đồng Tháp đạt 47,58 triệu đồng (tăng 4,98% so với năm 2019), với tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2020 đạt 18.779 tỷ đồng (chiếm 21,7% GRDP).

Chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư

Đến nay, Đồng Tháp đã tiếp nhận mới 68 hồ sơ đăng ký dự án đầu tư; trong đó có 16 dự án được chấp thuận đầu tư. Đối với các dự án đăng ký đầu tư giai đoạn 2020 - 2022, đã có 16 dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư và đi vào hoạt động và 16 dự án đang xây dựng.

Song song đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới không ngừng tăng lên, với 570 doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên khoảng 4.700 doanh nghiệp.

Thành quả này đạt được đến từ những chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của Trung ương và UBND tỉnh Đồng Tháp trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, công trình cấp nước sạch nông thôn, phát triển du lịch, hoạt động khoa học và công nghệ... theo quy định của pháp luật hiện hành.

Khi đầu tư tại vùng đất Sen Hồng, nhà đầu tư sẽ được đội ngũ chuyên viên về xúc tiến đầu tư của tỉnh hỗ trợ trong suốt quá trình lập thủ tục đầu tư và hỗ trợ giải quyết các khó khăn vướng mắc trong suốt thời gian hoạt động.

Để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư, Tỉnh đã ban hành Danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025, hướng phần lớn đến các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, du lịch gắn với nông nghiệp... Hình ảnh “Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen”, “Nông nghiệp Đồng Tháp - Giá trị xanh từ những tiềm năng xanh” và các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm du lịch đặc trưng đã đưa hình ảnh Đồng Tháp đến với cả nước và bạn bè quốc tế.

Đồng Tháp chú trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, hạ tầng giao thông, logistics được đầu tư hoàn chỉnh; quỹ đất công nghiệp trong các khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy hoạch phát triển phù hợp theo từng giai đoạn; giá thuê đất công nghiệp thấp so với nhiều địa phương khác trong cả nước; quỹ đất thương mại, dịch vụ trong đô thị sẵn có để mời gọi đầu tư với giá thuê đất hợp lý, tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư... là những ưu thế cạnh tranh vượt trội khiến nhiều nhà đầu tư lựa chọn Đồng Tháp.

Với đường biên giới dài 50,761 km giáp Campuchia, Đồng Tháp có đến bảy cửa khẩu, trong đó hai cửa khẩu quốc tế Thường Phước (huyện Hồng Ngự) và Dinh Bà (huyện Tân Hồng) là trọng điểm thu hút đầu tư.

Xúc tiến xuất khẩu vào EU

Trong 9 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 1.063 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu (không tính hàng tạm nhập tái xuất) đạt 762,12 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 300,98 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, gạo và sản phẩm sau gạo, hàng dệt may, giày da...

Ước tính năm 2022, các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh, đặc biệt các sản phẩm hướng đến thị trường EU đều có sản lượng sản xuất tăng cao so với năm 2021, cụ thể: Thủy sản chế biến đạt 450.000 tấn, tăng 40,07%; Gạo xay xát lau bóng đạt 3,002 triệu tấn, tăng 4,46%; Miến, hủ tiếu, bánh tráng và các loại tương tự đạt 25.000 tấn, tăng 38,29%; Thức ăn chăn nuôi đạt 1,775 triệu tấn, tăng 8,85%; Thuốc lá điếu có đầu lọc đạt 55 triệu gói, tăng 27,79%; Sản phẩm may mặc đạt 9,327 triệu sản phẩm, tăng 8,86%; Sản phẩm giày da đạt 4 triệu đôi, tăng 123,71%; Bia đạt 21 triệu lít, tăng 2,04%.

Toàn tỉnh hiện có 280 cơ sở, với 265 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao được quảng bá chính thức trên sàn giao dịch thương mại điện tử lớn như: Tiki, Lazada, Shopee, Voso, Sendo, Postmart. Ngoài ra, Đồng Tháp còn triển khai thực hiện các nội dung đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Made in Dong Thap” cho các nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh (7 sản phẩm của 5 cơ sở), nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng, giữ gìn uy tín và nâng cao giá trị thương mại của hàng hóa có nguồn gốc từ Đồng Tháp tại thị trường trong nước và quốc tế.

Để có được thành tích này, Đồng Tháp đã rất tích cực thông tin và mời doanh nghiệp tham dự nhiều Hội nghị, Hội thảo do Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương tổ chức như Hội nghị “Giao thương trực tuyến thủy sản Việt Nam với các thị trường RCEP”; Hội nghị “Triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP”; Hội nghị “tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam”…

Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Tháp, ngày 19/12/2017. (Nguồn: Báo Đồng Tháp)

Tỉnh cũng tham gia các Đoàn giao dịch thương mại do Bộ Công Thương tổ chức tại nhiều thị trường thuộc EU như: Đức, Thụy Điển, Hà Lan, Na Uy, Italy… và nhiều Hội nghị trực tuyến kết nối với nhiều thị trường trên thế giới do Bộ Công Thương tổ chức.

Để có thể tăng cường hợp tác với thị trường châu Âu; phát huy vai trò của các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), hai bên cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực thương mại xuất nhập khẩu các mặt hàng vốn thế mạnh của Đồng Tháp sang thị trường châu Âu như: Thủy sản, giày da, gạo, sản phẩm sau gạo, collagen,... đặc biệt là nông sản tươi và chế biến; nhập khẩu các mặt hàng vốn thế mạnh của châu Âu như: máy móc thiết bị, phân bón, nguyên phụ liệu phục vụ cho các ngành sản xuất: dược phẩm, dệt may… Đồng thời mong muốn hợp tác, thu hút các đối tác châu Âu đầu tư vào Đồng Tháp trong các lĩnh vực: Chế biến nông sản, nông nghiệp công nghệ cao, logistics...