TIN LIÊN QUAN | |
EU cam kết tăng cường hỗ trợ người tị nạn từ châu Phi và Trung Đông | |
Thủ tướng Iraq công du 3 nước khu vực Trung Đông và Bắc Phi |
Theo lịch trình, ông Erdogan đã có cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi, trước khi ghé thăm Kuwait và Qatar. Bên cạnh vấn đề thương mại song phương, một số trọng tâm về các điểm nóng khu vực và quốc tế đã được nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đem ra thảo luận như quan hệ với Nga, tình hình Syria và cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và người đồng cấp Nga Putin trong cuộc họp báo chung tại Sochi ngày 13/11. (Nguồn: Reuters) |
“Người bạn thân thiết”
Đó là cụm từ trìu mến mà Tổng thống Tayyip Erdogan dành cho người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngay trước thềm chuyến thăm Sochi ngày 12/11. Khó có thể tưởng tượng rằng chỉ hai năm sau căng thẳng quan hệ do vụ máy bay Nga bị bắn rơi trên bầu trời Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11/2015, Nguyên thủ hai nước đã có thể dành cho nhau những cái ôm và bắt tay thật chặt.
Sở dĩ cả Ankara và Moscow nhanh chóng dẹp bỏ bất đồng bởi họ đều nhận thức được tầm ảnh hưởng của nhau trong khu vực. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, với vị trí địa chiến lược là cửa ngõ kết nối châu Á và châu Âu, thì Nga là một nhân tố quan trọng trong giải quyết các điểm nóng tại khu vực Trung Đông. Do đó, không có gì bất ngờ khi hai nhà lãnh đạo “tay bắt, mặt mừng” trong cuộc hội đàm tại khu nghỉ dưỡng Sochi ngày 13/11.
Mở đầu cuộc hội đàm dài bốn tiếng, ông Putin nhận định quan hệ hai nước đã hoàn toàn được khôi phục sau sự cố “đáng tiếc” tháng 11/2015. Ông cũng bàn thảo với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về hợp đồng bán Hệ thống Tên lửa đất đối không S-400, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, năng lượng, cũng như gỡ bỏ các rào cản còn tồn tại.
Liên quan đến điểm nóng Syria, bất chấp việc hai bên ủng hộ hai lực lượng khác nhau trong cuộc chiến, ông Putin nhấn mạnh Moscow sẽ tiếp tục đàm phán Astana cùng Ankara và Tehran, qua đó mang lại hòa bình cho quốc gia Trung Đông.
Tổng thống nước chủ nhà và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ cũng cam kết tập trung tiêu diệt lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, “đảm bảo các nỗ lực bình thường hóa tình hình tại Syria, đẩy mạnh quá trình bình ổn chính trị và hỗ trợ người dân Syria trong công cuộc tái thiết đất nước”.
Đáng chú ý, ông Erdogan không nhắc đến thỏa thuận về hiện diện quân sự Syria giữa Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump bên lề Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đầu tháng 11 vừa qua. Trước đó, chính nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai hoài nghi về thỏa thuận trên, đồng thời có thể yêu cầu Nga và Mỹ “rút khỏi Syria”. Do đó, việc tránh đề cập tới vấn đề nhạy cảm và tập trung vào hợp tác song phương được cho là động thái ngoại giao khôn khéo của ông Erdogan nhằm tranh thủ sự giúp sức của Nga trong các điểm nóng tại Trung Đông.
Giải quyết khủng hoảng
Tiếp nối thành công của cuộc hội đàm tại Sochi, Tổng thống Erdogan đã tiếp tục hành trình của mình tới Kuwait ngày 13/11 và Qatar ngày 14/11.
Điểm nhấn xuyên suốt chuyến hành trình tới hai quốc gia này của ông Erdogan là tìm kiếm “lối ra” cho cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh đã kéo dài hơn sáu tháng. Căng thẳng tại Trung Đông nói chung và Qatar nói riêng đe dọa trực tiếp tới lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. Do đó, Ankara mong muốn có thể gỡ “quả bom” vùng Vịnh càng sớm càng tốt bằng cách đối thoại với Kuwait, nước trung gian hòa giải căng thẳng và Qatar, quốc gia đang ở tâm điểm của vòng xoáy tại khu vực.
Ở Kuwait City, ông đã có cuộc hội đàm với Quốc vương Amir Sheikh Sabah Al-Jaber Al-Sabeh. Bên cạnh cam kết “thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đầu tư, du lịch, quốc phòng và giáo dục”, Tổng thống Erdogan cũng ca ngợi và mong muốn Kuwait tiếp tục xúc tiến các nỗ lực hóa giải căng thẳng giữa phe cấm vận và Qatar. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham dự lễ khánh thành sân bay do công ty Limak Holding của quốc gia này xây dựng tại Kuwait.
Còn tại Qatar, Tổng thống Erdogan đã hội đàm với Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani và tham dự phiên họp thứ ba của Ủy ban Chiến lược Cấp cao Qatar – Thổ Nhĩ Kỳ tại Emiri Diwan. Ngoài việc đẩy mạnh hợp tác song phương, ông Erdogan cũng khẳng định lại mối liên minh khăng khít với Qatar, đồng thời nhấn mạnh căng thẳng giữa quốc gia Trung Đông và phe cấm vận do Saudi Arabia đứng đầu chỉ có thể giải quyết thông qua con đường ngoại giao.
Ở thời điểm hiện tại, Ankara vừa muốn duy trì căn cứ quân sự của mình tại Doha, vừa bảo đảm mối quan hệ kinh tế nhiều lợi ích với Riyadh. Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai quốc gia nhiều duyên nợ, Qatar và Saudi Arabia sẽ khó có thể được hóa giải trong một sớm một chiều. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, điều mà Tổng thống Erdogan có thể cân nhắc là xây dựng quan hệ cân bằng hơn với cả Doha và Riyadh, nhằm tối đa hóa lợi ích của Ankara tại khu vực nhiều biến động này.
Mỹ rút khỏi JCPOA: Quyết định thay đổi cục diện Trung Đông Thỏa thuận hạt nhân của Iran với các nước P5+1 (JCPOA) được ký kết hồi tháng 7/2015 có thể sẽ lùi vào quá khứ chỉ ... |
Lãnh đạo Mỹ, Israel thảo luận về tình hình Trung Đông Tối 18/9 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bên lề Khóa họp 72 Đại Hội đồng ... |
Qatar kêu gọi giải quyết khủng hoảng vùng Vịnh theo cách "văn minh" Doha cũng kêu gọi các quốc gia láng giềng Trung Đông và vùng Vịnh dừng việc phong tỏa "bất hợp pháp và vô căn cứ”. |