📞

Kháng thuốc kháng sinh – sứ giả của Thần Chết

00:21 | 27/05/2016
Theo các nhà khoa học Anh Quốc, những căn bệnh do kháng thuốc có thể lấy đi sinh mạng của khoảng 10 triệu người mỗi năm.  

Nhà kinh tế học Jim O’Neill đã dành hai năm liền để nghiên cứu về vấn đề vi khuẩn kháng thuốc. Ông dự đoán rằng, trước năm 2050, khoảng 10 triệu người sẽ chết mỗi năm do những căn bệnh nhiễm trùng gây ra bởi các vi khuẩn kháng thuốc.

Cuộc khủng hoảng thuốc kháng sinh

Theo nghiên cứu này, trong thời gian từ nay đến năm 2050, nếu thuốc kháng sinh tiếp tục mất hiệu lực đối với các loại vi khuẩn, những căn bệnh do kháng thuốc sẽ tiêu tốn của thế giới 100.000 tỷ USD, tương đương 10.000 USD cho mỗi người.

Ngoài ra, 10 triệu người sẽ chết mỗi năm do các căn bệnh liên quan đến vi khuẩn kháng thuốc và ngày càng nhiều người sẽ chết vì căn bệnh ung thư. Tuy vậy, đây mới chỉ là những dự đoán thận trọng, bởi vì các con số này chưa tính đến những căn bệnh không thể nào chữa khỏi được nếu thiếu kháng sinh như: thay thế khớp xương, phẫu thuật ruột, hóa trị ung thư, cấy ghép bộ phận cơ thể,…

Bản báo cáo của O’Neill đã đưa ra 10 bước để ngăn chặn cuộc khủng hoảng thuốc kháng sinh. Trong đó, chỉ có hai bước là tập trung vào vấn đề nguồn cung thuốc kháng sinh – tức là sự thiếu hụt các loại kháng sinh mới.

Jim O’Neill là cựu Chủ tịch của ngân hàng Goldman Sachs. Dù không có bằng cấp về khoa học tự nhiên hay y học nhưng ông lại được chọn làm người lãnh đạo Ủy ban quốc tế về nhiễm trùng do kháng thuốc bởi vấn đề này không chỉ liên quan đến sinh học và hóa học mà còn là một vấn đề kinh tế.

“Ban đầu, những cố vấn của tôi cho biết hiện giờ rất khó khăn để tìm ra các loại kháng sinh mới. Tuy nhiên, tôi sớm nhận thấy rằng vấn đề khủng hoảng thuốc kháng sinh có thể được giải quyết khi thay đổi thói quen sử dụng thuốc chữa bệnh của mọi người”, O’Neill nói.

Giảm thiểu nhu cầu sử dụng thuốc

Cải thiện điều kiện vệ sinh là bước đầu tiên nên làm để giảm thiểu nhu cầu sử dụng thuốc kháng sinh. Khi các căn bệnh do nhiễm trùng giảm đi, chúng ta càng ít phải dùng thuốc kháng sinh.

Bên cạnh đó, cần phải xây dựng một mạng lưới giám sát rộng khắp để biết được các loại kháng sinh hiện đang được sử dụng như thế nào, sự lan tràn của những vi khuẩn kháng thuốc cũng như tính hiệu quả của những loại thuốc kháng sinh.

Rất nhiều loại kháng sinh đang bị lãng phí. Chỉ tính riêng tại Mỹ, 70% số kháng sinh sử dụng trên người đang được dùng cho động vật. Tuy nhiên, những loại thuốc này không được dùng để chữa bệnh mà là để nâng cao năng suất của vật nuôi. Trong số 40 triệu người dùng kháng sinh mỗi năm tại Mỹ, chỉ có 13 triệu người là thật sự cần phải dùng. Rất nhiều người không biết thuốc kháng sinh hoạt động như thế nào, không phân biệt được nhiễm trùng do vi khuẩn và do virus. Những nhận thức sai lệch này khiến nhiều người gây áp lực lên bác sỹ để họ phải kê những toa thuốc chứa nhiều thuốc kháng sinh.

Tăng nguồn cung kháng sinh

Trong suốt nhiều thập kỷ qua, không có bất cứ dòng thuốc kháng sinh mới nào xuất hiện. Chúng ta vẫn chưa tìm ra, sáng chế đủ các loại thuốc để chống lại các loại vi khuẩn kháng thuốc.

Thời kỳ hoàng kim của những khám phá về thuốc kháng sinh trong giai đoạn 1940 – 1970 đã giúp chúng ta chống lại rất nhiều căn bệnh do nhiễm trùng. Nhưng khi các loại thuốc mới ngày càng khó tìm, chúng ta trở nên quá tự tin, chuyển dần sự quan tâm sang những căn bệnh khác như ung thư.

Từ lập trường của các nhà kinh doanh, việc giảm đầu tư cho phát triển kháng sinh có nguyên nhân của nó. Những công ty dược phẩm mong muốn đưa ra một loại thuốc cực kỳ hiệu quả, chiếm một thị trường lớn để bán được càng nhiều càng tốt. Thế nhưng, chúng ta lại muốn hạn chế việc sử dụng các loại kháng sinh mới để kéo dài tính hiệu quả của thuốc. Điều này tạo ra một thị trường trì trệ.

Ngày càng có nhiều loại vi khuẩn có thể kháng lại thuốc kháng sinh. (Nguồn: The Atlantic)

Cách giải quyết của O’Neill là thiết lập một giải thưởng cho những công ty nào đưa các loại kháng sinh mới ra thị trường (tất nhiên phải bán và phát triển nó một cách có trách nhiệm). Những khoản tiền thưởng đó đảm bảo những công ty này chú trọng phát triển các loại thuốc thay vì chỉ bán chúng như một thứ hàng hóa thông thường.

Để tiến hành giải pháp này, nghiên cứu này đề xuất các nước trên thế giới nên cùng nhau thành lập một quỹ toàn cầu cho các nghiên cứu dược học giai đoạn đầu. Rất nhiều kiến thức khoa học làm nền cho sự phát hiện các loại thuốc mới thường không hấp dẫn và có lợi nhuận thương mại thấp. Vì vậy, với một số ít ngoại lệ, những nghiên cứu này thường ít được đầu tư.

Những nước trong nhóm G20 có thể dễ dàng đóng góp cho quỹ này bằng cách thay đổi mục đích chi dùng 0,05% ngân sách y tế của họ. Các quốc gia còn có thể gây quỹ bằng cách đánh thuế sử dụng các loại kháng sinh (đặc biệt là kháng sinh cho động vật), hoặc đánh thuế những công ty bán những sản phẩm chăm sóc sức khỏe vì nhiều sản phẩm này dựa trên thuốc kháng sinh.

(theo The Atlantic)