Ngày 29/1, hàng nghìn người biểu tình đã tập trung bên ngoài Nhà Trắng ngày 29/1, trong khi các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra tại nhiều thành phố và sân bay trên khắp nước Mỹ sau khi tân Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành chính cấm nhập cảnh tạm thời đối với tất cả người tị nạn và công dân 7 nước Trung Đông và Bắc Phi.
Người biểu tình tại sân bay John F.Kennedy. (Nguồn: NY Times) |
Những người chứng kiến cho biết người biểu tình đã phủ kín Quảng trước Lafayette phía trước Nhà Trắng, mang theo những biểu ngữ như "Cấm Trump", "Hoan nghênh người tị nạn", đồng thời hô vang các khẩu hiệu phản đối phân biệt đối xử với người nhập cư.
Tại thành phố NewYork, nơi được xem là biểu tượng của tự do và nhập cư, hàng nghìn người cũng tới tập trung tại Công viên Battery để phản đối sắc lệnh của ông Trump. Truyền thông Mỹ đưa tin các cuộc biểu tình còn diễn ra tại nhiều thành phố khác như Atlanta, Boston, Chicago, Los Angeles, Philadelphia và Seattle.
Quyết định “khó hiểu”
Sắc lệnh hành chính của Tổng thống Trump cấm người nhập cư cũng đã gây ra phản ứng ngay trong chính giới Mỹ. Ngày 29/1, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ John McCain cho rằng quyết định của Tổng thống Donald Trump về việc cấm nhập cảnh đối với người dân từ 7 quốc gia Hồi giáo là "khó hiểu" và đặt ra nhiều câu hỏi.
Trả lời phỏng vấn kênh CBS, ông McCain cho rằng ở một số khía cạnh, quyết định của ông Trump có thể tạo thuận lợi cho công tác tuyên truyền của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Ông cũng đặt câu hỏi về lý do Iraq nằm trong số 7 quốc gia Hồi giáo nêu trên, khi mà Washington đang sát cánh cùng Baghdad trong cuộc chiến chống IS.
Trong khi đó, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cho rằng Mỹ "cần thận trọng" khi thực hiện sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump. Ông cho rằng người Hồi giáo là một trong những nguồn lực quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan.
Thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chuck Schumer nói rằng phe Dân chủ đang cân nhắc đưa ra hành động pháp lý để lật ngược sắc lệnh này.
Thượng nghị sĩ John McCain: Quyết định của ông Trump là |
Nhiều nước bất bình và quan ngại
Nhiều nước trên thế giới tiếp tục bày tỏ sự bất bình và quan ngại đối với sắc lệnh cấm người nhập cư.
Anh: Hãng AP ngày 29/1 cho biết một đơn kiến nghị được đăng tải trên trang mạng của Chính phủ Anh, trong đó kêu gọi cấm Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm nước này, đã nhận được hàng trăm nghìn chữ ký và đủ điều kiện để được đưa ra thảo luận trước Quốc hội.
Chủ tịch Công đảng Anh Jeremy Corbyn cho rằng chuyến thăm cấp nhà nước tới Anh của ông Trump cần phải bị hoãn cho đến khi Tổng thống Mỹ bãi bỏ quyết định cấm nhập cảnh nói trên. Trong chuyến thăm Washington hồi tuần trước, Thủ tướng Anh Theresa May đã mời ông Trump đến thăm Anh trong năm 2017.
Yemen: Hãng thông tấn SABA của Yemen dẫn nguồn tin Bộ Ngoại giao nước này cho rằng lệnh cấm công dân một số nước Hồi giáo, trong đó có Yemen, nhập cảnh Mỹ thực chất đang cổ súy những kẻ cực đoan.
Iran: Ngày 29/1, Bộ Ngoại giao Iran đã triệu Đại sứ Thụy Sỹ tại Tehran để phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc cấm nhập cảnh đối với công dân Iran cùng 6 quốc gia Hồi giáo khác.
Hãng thông tấn nhà nước IRNA của Iran trích dẫn nội dung nêu trong công hàm trao cho Đại sứ Thụy Sĩ (nước đại diện cho các lợi ích của Mỹ tại Iran do Washington không thiết lập quan hệ ngoại giao với Tehran), trong đó cho rằng quyết định của ông Trump "dựa trên những lý lẽ sai lầm và phân biệt đối xử, đồng thời vi phạm các quy định về nhân quyền". Bên cạnh đó, Iran cũng khuyến cáo công dân nước này phải thận trọng khi đến thăm Mỹ. Cảnh báo trên được đưa ra sau khi xuất hiện nhiều thông tin cho rằng một số hành khách Iran đã bị cấm lên những chuyến bay đến Mỹ.
Sudan: Cùng ngày, Sudan cũng đã triệu đại biện lâm thời Mỹ tại Khartoum để phản đối quyết định cấm nhập cảnh nói trên của ông Trump. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Sudan, quyết định của ông Trump đã phát đi "một thông điệp tiêu cực", chỉ hai tuần sau khi Mỹ vừa tuyên bố nới lỏng trừng phạt kinh tế đối với quốc gia châu Phi. Trong tuyên bố, Sudan cũng kêu gọi Mỹ cân nhắc quyết định này.
Iraq: Trong khi đó, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Iraq đã kêu gọi đưa ra một lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân Mỹ sau quyết định nói trên của ông Trump. Phó Chủ tịch ủy ban, ông Hassan Shwairid đã yêu cầu Chính phủ Iraq có biện pháp đáp trả "có đi có lại" đối với Mỹ.
Trước đó, tân Tổng thống Mỹ đã có động thái nhằm tiếp tục thực hiện chương trình hành động cứng rắn nhằm vào người nhập cư trái phép khi ký sắc lệnh hành chính siết chặt chính sách cấp thị thực nhập cảnh và tiếp nhận người tị nạn, theo đó nâng thời gian xét thị thực đối với tất cả người tị nạn lên 4 tháng và cấm nhập cảnh vĩnh viễn đối với một số đối tượng người Syria. Tổng thống Trump tuyên bố biện pháp mới này nhằm ngăn chặn “mọi phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan đặt chân đến Mỹ”. Ngoài ra, sắc lệnh mới cũng ngừng cấp thị thực nhập cảnh Mỹ đối với 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số, bao gồmIran, Iraq, Sudan, Syria, Somalia, Libya và Yemen.