Trận chung kết AFF vừa qua tại sân Mỹ Đình là một ví dụ. Tôi được người bạn tặng đôi vé khán đài B, rất thích nhưng lại nghĩ, hay mình bán lấy tiền cho các cháu nghèo vùng cao không có áo rét.
Thế là liên hệ với “Cơm có thịt” của anh Trần Đăng Tuấn, từng là Phó Giám đốc VTV và Giám đốc AVG. Sau một ngày đấu giá, đôi vé bán được 25 triệu. Một vị bên VNA thấy việc này hữu ích, liền gửi cho anh Tuấn đôi vé khác. Trước giờ bóng lăn vài tiếng, lại bán được 10 triệu. Vào giờ chót, một đôi vé khác tiếp tục gửi cho "Cơm có thịt" và sau một giờ đấu giá, MC Phan Anh đã trả với mức 16 triệu. Người mua vé, người tặng, tổng cộng được 65 triệu, tương đương với 1.100 áo ấm cho trẻ nghèo tới trường.
Những miếng da trên quả bóng đã kết nối tình thương yêu, làm ấm da trẻ em vùng cao. Đó chính là một phần của bóng đá, thứ bóng đá sạch, trong sáng và tình người ấm áp như ánh đèn vạn oát trên sân bóng.
Nhớ những năm công tác bên Mỹ, ở bên kia trái đất, tôi phải “xem” bóng đá qua tường thuật trực tiếp trên website vào sáng sớm. Không phải vì không có mặt trên sân Mỹ Đình hay hòa cùng đoàn người ở Hà Nội, Huế hay Sài Gòn mà không thấy niềm vui khôn tả của bóng đá Việt Nam. Trái bóng Việt Nam trải qua bao thăng trầm, như những mảnh da mầu trắng đen, mảng sáng và mảng tối đan xen.
Thời Tiger Cup, Việt Nam từng hạ Thái Lan 3:0 tại sân Hàng Đẫy. Nhưng trận chung kết lại thua Singapore tức tưởi vào phút chót. Giá như thế hệ "vàng 1.0" thời đó được tôi luyện và tự tin hơn chút nữa!
Và giá như không có "bóng tối" trên trái bóng. Hai lần vào chung kết và chỉ được Giải nhì. Sau này nhiều người mới hiểu có thể Giải nhì đó là do phần “bóng tối” của bóng đá Việt Nam thời đó.
Khi ấy, trong những trận đấu quan trọng, các fan vẫn ùn ùn kéo tới sân hò reo tưng bừng, tràn trề hy vọng để rồi thất vọng tràn trề mà không thể hiểu nổi tại sao đội bóng yêu dấu của mình lại cứ thất bại.
Xấu hổ làm sao, người hâm mộ ưỡn ngực hát vang quốc ca “Đoàn quân Việt Nam đi…” với niềm tự hào dân tộc, khát khao chiến thắng để rồi ra về như đoàn quân thất trận...
Nhưng gần đây xem, xem thế hệ "Vàng 2.0" thi đấu qua các giải U23 Châu Á, AFF Cup... thì thấy bóng đá Việt Nam có tín hiệu trong sạch hơn. Người hâm mộ bắt đầu nhìn thấy các em ra sân với một tâm thế, một tinh thần khác, đôi chân và cái đầu dường như không còn vương vấn bụi trần. Trận cầu đã thật hơn, hấp dẫn hơn và kết quả đã phần nào đáp ứng kỳ vọng, khát khao của những người hâm mộ.
Giờ tôi đã nghỉ hưu, về nước vẫn theo dõi các đồng nghiệp World Bank bên Mỹ. Vào buổi tối có trận Chung kết AFF, các gia đình tụ tập lại, cũng cờ, băng rôn, hò hét. Nhân viên World Bank tại Hà Nội đứng thành hàng cùng sếp hô lớn bằng các thứ tiếng “Việt Nam vô địch”. Đó là sự gắn kết hai bên bán cầu mà chỉ bóng đá mới làm được.
Đối với những nước nghèo, bóng đá cũng chính là chất xúc tác kỳ diệu cho tinh thần ái quốc và đoàn kết dân tộc. Bóng đá đẹp cũng giúp người dân quên bớt khó khăn hiện tại, là động lực cho phát triển, là công cụ quảng bá hiệu quả hình ảnh quốc gia và tinh thần Việt Nam ra bạn bè thế giới.
Đoạt AFF Cup cũng chỉ là chiếc Cúp của một giải đấu khu vực. Nhưng đối với người hâm mộ nước nhà, thì đoạt cúp như cái cách chúng ta thể hiện vừa qua thì đã là "World Cup của Việt Nam".
Và niềm vui như nhân đôi khi người hâm mộ cảm nhận được rằng, thế hệ "Vàng 2.0" của bóng đá Việt Nam đã không còn "bóng tối” trong đầu khi thi đấu. Bóng đá sạch giúp cho người Việt năm châu nghĩ về một mối, làm cho người khá giả hơn nghĩ đến người nghèo nhiều hơn. Làm được những điều đó, là bởi sự thần kỳ của những mảnh da đen trắng trên trái bóng tròn, biết kết nối, liên kết vào nhau trong sáng như môn thể thao vua, làm mê hoặc lòng người.