📞

Khi đại gia công nghệ "săn" thần đồng

14:36 | 21/09/2014
Sự cạnh tranh khốc liệt giữa hai "ông lớn" Google và Apple trong cuộc chiến dành thị phần của ngành công nghiệp di động đang khiến cho cuộc săn tìm các thần đồng công nghệ nóng hơn bao giờ hết…
Ahmed Fathi chụp cùng CEO Apple Tim Cook tại San Francisco (Mỹ).

Dù chỉ mới 14 tuổi và đang theo học cấp 2 tại Trường trung học ở Glen Head, New York (Mỹ) nhưng Grant Goodman lại đang được cả hai đại gia công nghệ là Google và Apple "săn đón".

Chớp lấy cơ hội khi Apple loại bỏ ứng dụng của Youtube trên điện thoại iPhone vào năm ngoái, Grant đã lên ý tưởng viết một ứng dụng miễn phí giúp mọi người có thể xem video trực tuyến với tốc độ cao có tên gọi Prodigus (tiếng Latinh có nghĩa là ngông cuồng). Ngay khi xuất hiện trên kho ứng dụng của Apple, Prodigus đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dùng iPhone và nhận được nhiều phản hồi tích cực.

Không chỉ viết ứng dụng cho di động, Grant còn viết game cho di động. Mới đây, Grant đã kết hợp với công ty phần mềm Macster Software cho ra mắt một game di động mới có tên iTap That dành cho di động và máy tính bảng.

Nhằm lôi kéo thần đồng công nghệ nhí về phía mình, cả Google và Apple đều đưa ra lời đề nghị hấp dẫn. Grant được mời làm lập trình viên và được hứa hẹn sẽ hưởng mức lương cao, làm việc trong môi trường lý tưởng hàng đầu thế giới cùng học bổng hơn 1.600 USD. Dù vậy, Grant cho biết, cậu sẽ tạm gác việc viết ứng dụng để tập trung vào việc học tại trường. "Hãy bắt đầu niềm đam mê ngay từ khi còn nhỏ, bạn sẽ có nhiều lợi thế hơn so với những người đã qua tuổi 20. Lúc đó, bộ não của bạn còn năng động và nhiều ý tưởng", Grant chia sẻ.

Giống như Grant Goodman, mặc dù còn rất trẻ nhưng Ahmed Fathi (Ai Cập) đã được biết đến như tài năng công nghệ thiên bẩm. Ahmed hiện là chủ nhân của nhiều ứng dụng di động dành cho iPhone tại Ai Cập.

Niềm đam mê công nghệ đến với Ahmed rất tự nhiên khi tình cờ được người bác ruột dạy cách làm trang web cách đây hai năm. Khởi đầu từ một số clip hướng dẫn trên Youtube và Stack Overflow - trang web chuyên trả lời câu hỏi cho lập trình viên, Ahmed say sưa tự học. Dần dần, cậu đã tự xây dựng được kho ứng dụng riêng cho điện thoại di động và được nhiều người dùng quan tâm.

"Em muốn trở thành một lập trình viên giỏi. Tuy nhiên, ở trường học, ngay cả giáo viên tin học của em cũng không biết rõ lập trình viên phải làm những công việc gì. Vì vậy, em đã quyết định tự học và tự tạo nên những ứng dụng cho riêng mình", Ahmed tâm sự.

Ahmed vừa công bố Tweader - một ứng dụng giúp đọc to các tin nhắn trên Twitter dành cho người điều khiển ô tô và xe đạp trên kho ứng dụng App Store. Không bỏ lỡ cơ hội, Apple đã ngay lập tức mời cậu đến tham quan trụ sở đào tạo của Apple và trường Đại học Stanford danh tiếng tại San Francisco (Mỹ). Sau chuyến đi thực tế trong mơ, Ahmed đã được Apple mời hợp tác cùng một số chuyên gia của hãng để tạo ra những thế hệ phần mềm mới.

Các chuyên gia nhận định, chính sự phát triển như vũ bão của ngành công nghiệp di động trong năm năm trở lại đây đã tạo cơ hội cho nhiều nhà phát triển ứng dụng, đặc biệt là các lập trình viên ứng dụng trẻ. Năm 2013, để trả cho các nhà phát triển ứng dụng, Google đã tốn hơn năm tỷ USD còn Apple chi hơn 10 tỷ USD.

Grant Goodman và Ahmed Fathi được đánh giá là những gương mặt đại diện tiêu biểu của thế hệ công nghệ tuổi thanh thiếu niên khi biết tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ di động. Vì vậy, họ cũng là những mục tiêu mà các hãng công nghệ lớn muốn nhắm tới.

Năm 2012, Apple đã giảm độ tuổi tối thiểu để tham gia phát triển ứng dụng từ 18 xuống 13 và thành lập ra quỹ học bổng mỗi suất trị giá 1.600 USD dành cho các nhà phát triển ứng dụng trẻ. Đáng chú ý, trong số 200 phần học bổng được trao, rất nhiều em chỉ ở độ tuổi thanh thiếu niên.

Không chịu thua kém, Google chính thức khởi động chương trình đào tạo thế hệ lập trình viên trẻ mang tên Google I/O vào tháng 6/2014. Theo đó, Google sẽ lựa chọn khoảng 200 cá nhân tài năng từ 11-15 tuổi để tham gia các khóa học về viết ứng dụng và phát triển phần mềm. Kết thúc khóa học, những học viên xuất sắc nhất sẽ được giữ lại, bồi dưỡng để trở thành những lập trình viên ứng dụng của Google trong tương lai.

Xuân Thành (theo WSJ)