Back to E-magazine
e magazine
20:49 | 12/02/2021
Khi Đại sứ 'tác chiến' trên 'mặt trận' kinh tế

20:49 | 12/02/2021

TGVN. Nhớ lại những hoạt động Ngoại giao Kinh tế (NGKT) đã làm được tại xứ người, Đại sứ Trần Trọng Toàn chia sẻ đầy xúc động: “Ở mỗi quốc gia, tôi đều có những kỷ niệm đáng nhớ và tự hào vì mình đã làm được một vài việc về NGKT, góp phần phát triển đất nước và thúc đẩy hợp tác của Việt Nam với các nước”.
Khi Đại sứ 'tác chiến' trên 'mặt trận' kinh tế

Nhớ lại những hoạt động Ngoại giao Kinh tế (NGKT) đã làm được tại xứ người, Đại sứ Trần Trọng Toàn chia sẻ đầy xúc động: “Ở mỗi quốc gia, tôi đều có những kỷ niệm đáng nhớ và tự hào vì mình đã làm được một vài việc về NGKT, góp phần phát triển đất nước và thúc đẩy hợp tác của Việt Nam với các nước”.

Là người đã gắn bó nhiều năm với công tác NGKT trên cương vị Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế và Đại sứ tại một số quốc gia, Đại sứ Trần Trọng Toàn cho rằng, trong 45 năm qua, ngay sau khi đất nước thống nhất, đặc biệt từ khi tiến hành Công cuộc Đổi mới, ngành Ngoại giao đã triển khai tích cực, hiệu quả công tác NGKT cả ở trong và ngoài nước. Cán bộ ngoại giao luôn nắm vững nội dung, yêu cầu của NGKT để chủ động triển khai.

Đại sứ Trần Trọng Toàn chia sẻ, là một lĩnh vực ngoại giao sử dụng công cụ kinh tế để thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ với các nước nhằm mục tiêu hòa bình, hợp tác phát triển và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước, NGKT luôn bám theo 5 nội dung cơ bản là: Tạo môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác; Mở đường, xây dựng các khuôn khổ pháp lý cho hợp tác kinh tế; Đề xuất chính sách hợp tác kinh tế và KHCN với các đối tác; Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện; Kịp thời phát hiện vướng mắc và kiến nghị giải pháp.

Khi Đại sứ 'tác chiến' trên 'mặt trận' kinh tế

Từ nhận thức đó, cùng với đội ngũ cán bộ ngoại giao, Đại sứ Trần Trọng Toàn đã phát huy thế mạnh của bản thân, đặc biệt tận dụng tối đa các cơ hội khi công tác tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vận động nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), thúc đẩy thương mại và hợp tác khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, xuất khẩu lao động, quảng bá du lịch...

“Phục kích” Phó Thủ tướng Malaysia A. Badawi

Khi giữ trọng trách Đại sứ tại Malaysia (2000-2003), một trong những nền kinh tế lớn của khu vực, Đại sứ Trần Trọng Toàn đã chú trọng nghiên cứu và vận động thu hút FDI và xúc tiến thương mại. Hàng tuần, Đại sứ đều có các cuộc gặp gỡ, thuyết trình, giới thiệu tình hình kinh tế và các cơ hội đầu tư ở Việt Nam.

Trong các cuộc gặp, Đại sứ Trần Trọng Toàn luôn in sẵn hàng trăm dự án kêu gọi đầu tư của các bộ, ngành, địa phương để cung cấp cho các doanh nghiệp, hiệp hội, các nhà đầu tư Malaysia và các công ty nước ngoài tại Malaysia, đồng thời liên hệ chặt với trong nước để kịp thời kết nối và xử lý các yêu cầu.

Đúng như mong đợi, trong nhiệm kỳ Đại sứ của ông, tổng vốn đầu tư của Malaysia vào Việt Nam đã tăng từ gần 800 triệu USD vào đầu năm 2000 lên hơn 1,2 tỷ USD năm 2003.

Về thương mại, tìm hiểu thấy nhu cầu nhập khẩu gạo của Malaysia rất lớn nhưng phụ thuộc đến 80% vào nguồn cung từ Thái Lan và nhiều khi không ổn định, Đại sứ Trần Trọng Toàn đã tiếp cận Tập đoàn Bernas (được Chính phủ Malaysia giao độc quyền về nhập khẩu gạo) để quảng bá gạo Việt Nam với chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh và khả năng bảo đảm nguồn cung ổn định.

“Bên cạnh đó, tôi cũng phối hợp chặt chẽ với Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) kết nối, hỗ trợ để phía Malaysia có thể tin tưởng vào nguồn cung có uy tín, chất lượng và ổn định. Kết quả là, Malaysia đã đồng ý mua gạo của ta với đơn đặt hàng ổn định mỗi năm 500.000 tấn, nhiều năm tới 750.000 tấn và trở thành nước nhập khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN", Đại sứ Trần Trọng Toàn chia sẻ.

Xuất khẩu gạo đã góp phần nâng kim ngạch thương mại hai nước trong nhiệm kỳ ông làm Đại sứ tại Malaysia, từ 678 triệu USD năm 2000 lên hơn 1,2 tỷ USD năm 2003. Tiếp đà đó, đến năm 2019, Việt Nam đã vượt Thái Lan trở thành nước cung cấp gạo lớn nhất cho Malaysia.

Khi Đại sứ 'tác chiến' trên 'mặt trận' kinh tế

Cũng trong nhiệm kỳ này, qua tìm hiểu, được biết hàng năm Malaysia tiếp nhận hàng vạn lao động từ những nước có cùng tôn giáo (đạo Hồi). Đại sứ Trần Trọng Toàn đã tìm cách tiếp cận và vận động các quan chức Malaysia từ Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, Bộ Nội vụ... đến Ủy ban Lao động của Quốc hội và cả các doanh nghiệp lớn…

“Suốt 2 năm đầu, tôi kiên trì bám sát, tranh thủ, thuyết phục phía bạn, đồng thời liên hệ với Công ty HITECO đang rất mong muốn đưa lao động sang Malaysia, yêu cầu chuẩn bị lực lượng lao động có kỷ luật và tay nghề tốt để đưa sang khi tôi mở cửa được thị trường.

Tôi đã “phục kích” để gặp Phó Thủ tướng A. Badawi, Chủ tịch Ủy ban Lao động của Quốc hội Malaysia, tại sân bay từ nửa đêm đến 7h sáng và đề nghị Phó Thủ tướng cho phép nhận lao động Việt Nam. Tôi đã phát khóc lên vì vui sướng khi Phó Thủ tướng A. Badawi trả lời: Tôi nghĩ việc nhận lao động Việt Nam bây giờ không còn vấn đề gì nữa!”, Đại sứ Trần Trọng Toàn xúc động nhớ lại.

Sau đó ít lâu, Phó Thủ tướng A. Badawi quyết định mở cửa thị trường cho lao động Việt Nam. “Vậy là sau đúng 2 năm kiên trì, những nỗ lực của tôi đã có kết quả. Tôi đã được về nước trực tiếp báo cáo Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, bàn việc triển khai và được tặng Kỷ niệm chương về thành tích này", Đại sứ Trần Trọng Toàn kể.

Từ tháng 4/2002, Việt Nam đã đưa hàng chục vạn lao động sang làm việc tại Malaysia. Tháng 9/2020, Malaysia trở thành thị trường xuất khẩu lao động lớn thứ 4 của Việt Nam với 25.000 lao động đang làm việc”.

“Vũ khí” thực hiện tốt công tác NGKT

Với kinh nghiệm chinh chiến trên “mặt trận” NGKT tại Ấn Độ và Malaysia, khi giữ nhiệm vụ Đại sứ tại Hàn Quốc (2010-2013), Đại sứ Trần Trọng Toàn để ý tới nhu cầu lớn về tiêu thụ cá nóc - loại cá có chất độc gây chết người, tại quốc gia này.

Qua tìm hiểu, Đại sứ ngạc nhiên được biết, nguồn cá nóc này đến từ Việt Nam! Khi đó Việt Nam cấm đánh bắt, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ cá nóc, nhưng khi ngư dân ta đánh bắt được, thương lái Trung Quốc lập tức cập mạn thuyền mua với giá 1 USD/kg rồi bán lại cho đầu mối phía Hàn Quốc với giá 3 USD/kg. Các nhà chế biến Hàn Quốc (được cấp chứng chỉ) sẽ làm thịt cá nóc và đưa vào siêu thị bán với giá 5 USD/kg.

Đại sứ Trần Trọng Toàn lại vào một cuộc "vận động" mới để phía Hàn Quốc đồng ý mua trực tiếp cá nóc của Việt Nam với giá chung là 3 USD/kg, không qua thương lái Trung Quốc và đề nghị phía đối tác hướng dẫn các yêu cầu xử lý kỹ thuật. Các chuyên gia Hàn Quốc cho biết, chất độc nằm ở nội tạng cá nóc nên sau khi đánh bắt phải mổ ngay, tách hết nội tạng để tránh chất độc ngấm sang thịt cá, sau đó cấp đông và xuất khẩu sang Hàn Quốc dưới dạng hàng đông lạnh.

Sang Hàn Quốc, chất độc trong nội tạng cá nóc được chiết xuất làm thuốc cai nghiện ma túy, còn nội tạng được chế thành thức ăn gia súc hoặc phân bón cây. Lúc đó, nhân có đoàn của lãnh đạo Hải Phòng thăm Hàn Quốc, Đại sứ Trần Trọng Toàn đã trao đổi về khả năng đánh bắt, cung ứng của Hải Phòng rồi điện về báo cáo Thủ tướng Chính phủ (khi đó là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng). Thủ tướng đã trả lời đồng ý cho xuất khẩu cá nóc sang Hàn Quốc theo đúng yêu cầu kỹ thuật và cho phép Hải Phòng cùng một số địa phương được đánh bắt, thu mua và xuất khẩu cá nóc sang Hàn Quốc.

Khi Đại sứ 'tác chiến' trên 'mặt trận' kinh tế
Đại sứ Trần Trọng Toàn tham gia quảng bá du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc.

Trong nhiệm kỳ này, với tâm niệm luôn nắm vững nội dung, yêu cầu của NGKT để chủ động triển khai, Đại sứ Trần Trọng Toàn cũng chú trọng thu hút đầu tư, thường xuyên tiếp cận các bộ, ngành, địa phương, các nhà đầu tư và tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc để giới thiệu chính sách phát triển, nhu cầu và kết nối với các dự án kêu gọi đầu tư của ta.

Đại sứ cũng chú trọng vận động phía Hàn Quốc cung cấp ODA và tăng cường thương mại. Theo Đại sứ Trần Trọng Toàn, công tác NGKT ở Hàn Quốc có nhiều thuận lợi do quan hệ tốt với tư cách đối tác chiến lược, chính sách hướng Nam và tiềm năng của Hàn Quốc về đầu tư, ODA, thương mại, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, du lịch và hợp tác lao động.

Trong nhiệm kỳ Đại sứ của ông tại Hàn Quốc, tháng 8/2013, Hàn Quốc trở thành 1 trong 4 nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam với 25,7 tỷ USD trong 3.370 dự án và Việt Nam trở thành thị trường đầu tư lớn thứ ba của Hàn Quốc ở nước ngoài. Hàn Quốc cũng là quốc gia cung cấp ODA lớn thứ hai cho Việt Nam và Việt Nam trở thành nước nhận ODA lớn nhất của Hàn Quốc (riêng năm 2010 là 300 triệu, 2011 là 411,8 triệu và giai đoạn 2012-2015 là 1,2 tỷ USD).

Khi Đại sứ 'tác chiến' trên 'mặt trận' kinh tế

Hàn Quốc trở thành bạn hàng lớn thứ 4 của Việt Nam và Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Hàn Quốc. Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt 21,6 tỷ USD năm 2012 (về đích trước 3 năm so với mục tiêu đề ra là 20 tỷ USD vào năm 2015). Trên đà đó, trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9/2013 của Tổng thống Hàn Quốc (khi đó là Park Geun-hye), hai nước đã tuyên bố phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 70 tỷ USD vào năm 2020.

Đến nay, NGKT đã góp phần đưa Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam với 8.900 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký đạt 70,4 tỷ USD (tính đến 11/2020), nước cung cấp ODA lớn thứ 2 cho Việt Nam (300 triệu USD/năm) và đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt gần 67 tỷ USD, thị trường xuất khẩu lao động lớn thứ 2 của Việt Nam với 37.000 người đang làm việc năm 2020.

Từ kinh nghiệm bản thân và những hoạt động đã làm được, Đại sứ Trần Trọng Toàn đúc kết rằng, “vũ khí” để thực hiện tốt công tác NGKT chính là cần bám sát yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước trong từng giai đoạn, đồng thời nghiên cứu thế mạnh và nhu cầu của các nước (về FDI, ODA, thương mại, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, du lịch, lao động) để kết nối, vận động và triển khai hợp tác một cách chủ động, cụ thể, sáng tạo và hiệu quả!

Khi Đại sứ 'tác chiến' trên 'mặt trận' kinh tế

Bài: Linh Chi

Ảnh: NVCC

Thiết kế: An An

Đọc thêm

Khói bụi đưa Ấn Độ và Pakistan xích lại

Khói bụi đưa Ấn Độ và Pakistan xích lại

Mối quan hệ giữa hai nước láng giềng Pakistan và Ấn Độ vẫn căng thẳng và trì trệ nhiều năm qua. Tuy nhiên, một chất xúc tác không ngờ hứa hẹn tạo điều kiện cho cuộc đối thoại giữa chính quyền hai bên, đó là khói bụi đang bao trùm các thành phố ở cả hai nước.
Phim Việt Nam lay động trái tim khán giả tại Riyadh

Phim Việt Nam lay động trái tim khán giả tại Riyadh

Nhằm tăng cường giao lưu nhân dân, giới thiệu và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè Saudi Arabia và quốc tế, ngày 21/11, Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia đã tổ chức buổi chiếu bộ phim Lật mặt 7: Một điều ước của đạo diễn Lý Hải trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế “Ambassador’s Choice” lần thứ 12 do Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức.
Tiếp cận thông tin quốc tế qua Thế giới và Việt Nam

Tiếp cận thông tin quốc tế qua Thế giới và Việt Nam

Từ một độc giả trung thành thuở tiền thân đến cộng tác viên của Thế giới và Việt Nam, một trong những tờ báo đối ngoại hàng đầu Việt Nam, là hành trình tiếp cận tri thức, thông tin quốc tế nhiều kỷ niệm của tôi.
Học giả Mỹ Latinh: Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính mở ra giai đoạn mới cho quan hệ Việt Nam với Cộng hòa Dominica và khu vực Caribbean

Học giả Mỹ Latinh: Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính mở ra giai đoạn mới cho quan hệ Việt Nam với Cộng hòa Dominica và khu vực Caribbean

Theo học giả Mỹ Latinh, chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Cộng hòa Dominica mở ra giai đoạn mới không chỉ trong quan hệ giữa hai nước mà còn trong quan hệ giữa Việt Nam và khu vực Caribbean.
Việt Nam-Ấn Độ diễn tập khả năng phối hợp trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Việt Nam-Ấn Độ diễn tập khả năng phối hợp trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Diễn tập song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc năm 2024 (VINBAX 2024) lần thứ 5 diễn ra thành công tại trụ sở Lữ đoàn Công binh 474, Chandi Mandir, bang Haryana, Ấn Độ.
Trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho hai đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật-Việt

Trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho hai đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật-Việt

Ngày 22/11, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã tổ chức lễ trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho hai đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật-Việt thuộc Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (Keidanren).