📞

Khi doanh nghiệp “chấm điểm” chính quyền địa phương

13:19 | 15/03/2017
Doanh nghiệp trong nước đánh giá tích cực hơn về môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế của cơ quan quản lý địa phương, doanh nghiệp FDI cũng phản hồi tích cực và ngày càng lạc quan hơn khi đầu tư tại Việt Nam.

Đó là những tín hiệu vui trong báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI 2016 mới được Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 14/3.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đưa ra đánh giá về những hạn chế mà khối điều hành các tỉnh, thành phố chưa cải thiện được. Những “điểm số” này buộc lãnh đạo các địa phương phải thay đổi tư duy nếu muốn kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mình.

Trao kỷ niệm chương cho các tỉnh, thành phố top đầu bảng xếp hạng PCI 2016. (Ảnh; DL)

Thay đổi tư duy hành chính sang tư duy phục vụ 

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - VCCI, nhìn chung, chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố Việt Nam tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện.

Kết quả điều tra PCI 2016 phản ánh những dấu hiệu khởi sắc đối với các doanh nghiệp tư nhân trong nước. 65% doanh nghiệp hoạt động có lãi, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, đây là lần đầu tiên trong vòng 12 năm qua, quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp đã tăng đến mức cao nhất, bình quân 18,1 tỉ đồng, gấp đôi so với năm 2006 (7,5 tỉ đồng).

So với năm 2015, những chuyển biến tích cực có thể được nhận thấy ở tính năng động, sự tiên phong của chính quyền tỉnh, đào tạo lao động, cạnh tranh bình đẳng và đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, gánh nặng khi thực hiện thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai chưa thuận lợi và môi trường pháp lý chưa an toàn vẫn là một số trở ngại chính đối với nhiều doanh nghiệp trong nước.

Báo cáo PCI 2016 cũng chỉ ra những hạn chế trong lĩnh vực quản lý hành chính công cần cải thiện như: tính minh bạch, chi phí không chính thức, chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý.

Về tính minh bạch, các doanh nghiệp cho rằng vẫn khó để tiếp cận những thông tin từ chính quyền. Điều đó thể hiện ở điểm tiếp cận các loại tài liệu về kế hoạch (như ngân sách, quy hoạch...) và điểm tiếp cận các thủ tục pháp lý lần lượt là 2,39 và 3,1, thấp hơn mức khởi điểm điều tra năm 2006 (lần lượt là 2,63 và 3,15 điểm).

Chi phí không chính thức giai đoạn 2014 – 2016 chưa có dấu hiệu cải thiện so với mốc năm 2006. Năm nay, trung bình có khoảng 66% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị cho biết thường xuyên chi trả các khoản không chính thức, cao hơn 12 – 15 điểm phần trăm so với giai đoạn 2008 – 2013.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tại sự kiện. (Ảnh: DL)

Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư thành ủy Đà Nẵng, đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2016 cho rằng, yếu tố quan trọng nhất để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhìn nhận của lãnh đạo thành phố, của các cấp chính quyền đối với doanh nghiệp. Cơ quan chính quyền phải coi sự thành công của doanh nghiệp là thành công của chính mình, tạo cho doanh nghiệp có niềm tin khi tới đầu tư kinh doanh.

“Tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng và hỗ trợ doanh nghiệp là những chỉ số quan trọng. Trong thời gian tới lãnh đạo thành phố tiếp tục nỗ lực để cải thiện những chỉ số này”, lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh.

Đặc biệt, chỉ số về chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên tục giảm và đang ở mức thấp lịch sử kể từ khi PCI được khảo sát. Liên tục trong 3 năm qua (2014 – 2016), cứ 3 doanh nghiệp thì 1 doanh nghiệp phải dành trên 10% quỹ thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính, một tỷ lệ cao kỷ lục trong khảo sát PCI.

Khảo sát PCI 2016 cũng cho thấy các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như tìm kiếm thông tin thị trường, tư vấn pháp luật và tìm kiếm đối tác đang dần được cải thiện nhưng các hoạt động xúc tiến tư vấn pháp luật, xúc tiến thương mại và các dịch vụ về công nghệ vẫn cần những chính sách khuyến khích để khối doanh nghiệp tư nhân tham gia thị trường này nhiều hơn.

Để khắc phục những hạn chế trên, kinh nghiệm ở các tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng như Quảng Ninh, Đồng Tháp, Tuyên Quang, Cần Thơ... đó là thay đổi tư duy hành chính sang tư duy phục vụ, tăng cường tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp.

Với quan điểm hỗ trợ kịp thời nhất cho doanh nghiệp, lãnh đạo các tỉnh trên đều chia sẻ quan điểm tiếp xúc, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Những buổi tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp như mô hình "Cà phê doanh nhân" đang được triển khai tại các địa phương này đã tạo sự tương tác hai chiều giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cũng hiểu hơn về cộng đồng doanh nghiệp và có tư duy về thị trường một cách thực tế nhất.

Theo ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang, mô hình “Cà phê doanh nhân” đã giúp rút ngắn khoảng cách của doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh, là một “cơ chế mềm” giải quyết có hiệu quả những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Đặc biệt là việc sử dụng trí tuệ tập thể giữa các doanh nghiệp và lãnh đạo cơ quan Nhà nước đã giúp tìm ra hướng phát triển cho doanh nghiệp nói riêng và địa phương nói chung.

PCI – FDI cho thấy tín hiệu tích cực

Điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh từ khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (PCI – FDI) năm 2016 cho thấy tín hiệu tích cực, tương tự như phản hồi từ khối doanh nghiệp trong nước.

Nói về đặc điểm của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, đại diện VCCI cho biết: Tương tự như kết quả điều tra PCI – FDI các năm trước, doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt nam chủ yếu là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, hướng vào xuất khẩu. Đa phần các nhà đầu tư đến từ châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore và Trung Quốc.

Ảnh minh họa. (Nguồn: CafeF)

Theo GS.TS Edmund Malesky, Đại học Duke, Mỹ - Trưởng nhóm nghiên cứu PCI, trong 2 năm qua, những thay đổi pháp luật đã tạo ra một môi trường pháp lý thân thiện hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. “Những cải cách này đã gặt hái được thành quả, gia tăng sự lạc quan của giới đầu tư nước ngoài và triển vọng mở rộng sản xuất kinh doanh”, GS.TS Edmund Malesky nhận định.

Khảo sát gần 1.600 doanh nghiệp đến từ 46 quốc gia đang hoạt động kinh doanh đầu tư tại 14 tỉnh, thành cho thấy tâm lý lạc quan của doanh nghiệp với các chỉ số: 11% doanh nghiệp FDI cho biết đã tăng vốn đầu tư, hơn một nửa số doanh nghiệp FDI (63%) được điều tra có ý định tăng quy mô hoạt động, là mức cao nhất kể từ năm 2010.

Các doanh nghiệp FDI đánh giá chi phí gia nhập thị trường và tham nhũng đã giảm bớt. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn e ngại về môi trường kinh doanh bình đẳng và việc tiếp cận thông tin về tài liệu ngân sách, kế hoạch, quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn. Các thủ tục hành chính hậu đăng ký tại Việt Nam vẫn cần được đơn giản hóa nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí tuân thủ cho các doanh nghiệp.

GS.TS Edmund Malesky, Đại học Duke, Mỹ - Trưởng nhóm nghiên cứu PCI. (Nguồn: Enternew)

Theo Trưởng nhóm nghiên cứu PCI, các quy định về gia nhập thị trường được các doanh nghiệp FDI đánh giá tích cực hơn. Hơn 90% doanh nghiệp FDI có được tất cả các giấy phép cần thiết để chính thức đi vào hoạt động chỉ trong vòng 3 tháng. Khoảng 40% doanh nghiệp trong năm 2015 và 2016 chính thức đi vào hoạt động trong vòng chỉ 1 tháng. Đây là tỉ lệ cao nhất Việt Nam từng đạt được và tăng đáng kể so với giai đoạn 5 năm trước.

Tuy nhiên, khảo sát PCI – FDI cũng cho thấy còn nhiều hạn chế như: các quy định sau khi gia nhập thị trường, thủ tục hành chính, sự không công bằng giữa khối doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, sự tiếp cận thông tin cũng chưa thuận lợi hay những trải nghiệm của doanh nghiệp về chi phí bôi trơn hay tham nhũng vặt vẫn còn hiện hữu.