📞

Khi đồng USD “ốm”

10:59 | 08/05/2011
Đồng USD đang lao dốc ngày càng nhanh do lãi suất thấp, mối lo lạm phát và thâm hụt ngân sách khổng lồ. So với 75 đồng tiền quan trọng của thế giới, đồng USD yếu hơn 26, ngang bằng 11 và mạnh hơn 38 đồng tiền khác kể từ khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu bùng nổ.
Điểm lợi của đồng USD yếu sẽ giúp hàng hóa của Mỹ có sức cạnh tranh hơn và thúc đẩy xuất khẩu.

Các nhà kinh tế Mỹ ngày 1/5 một lần nữa cảnh báo sự mất giá không phanh của đồng USD và hậu quả nguy hiểm của xu thế này. Trong bài viết trên tạp chí trực tuyến Tiền tệ và thị trường (Mỹ), Tiến sỹ Martin D. Weiss cho biết đồng USD đã mất giá 15,9% kể từ tháng 6/2010, và các nhà đầu tư trên toàn cầu đang cho rằng đồng USD không có tương lai. Đồng USD mất giá nhanh so với các hàng hóa chủ chốt như dầu mỏ (113-125 USD/ thùng), và cũng xuống mức giá thấp nhất trong lịch sử so với vàng (gần 1600 USD/ounce) và bạc (50 USD/ounce).

Vì đâu mất giá?

Động lực chính đẩy giá đồng USD xuống dốc là lãi suất ở Mỹ quá thấp so với lãi suất cao và đang tăng ở các nước khác. Lãi suất thấp có nghĩa là lợi nhuận thu được từ đồng tiền cũng thấp. Nhưng chính nỗi lo về thâm hụt ngân sách khổng lồ của Mỹ đã thúc đẩy người ta bán tháo đồng tiền. Tuần trước các nhà đầu tư từng lo lắng khi tổ chức xếp hạng tín dụng S & P cảnh báo có thể hạ bậc tín dụng của Mỹ khi Tổng thống Obama và đảng Cộng hòa không đạt được sự đồng thuận về mức cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Một yếu tố quan trọng khác là Chính phủ Trung Quốc ám chỉ việc nước này sẽ đa dạng hóa quỹ dự trữ ngoại tệ hơn 3.000 tỉ USD của mình, giảm bớt lượng USD đang nắm giữ. Đồng NDT đã tăng giá đều đặn trong vài tuần qua. Từ khi Trung Quốc gỡ bỏ việc cố định tỷ giá đồng nhân dân tệ vào USD tháng 6/2010 đến nay, NDT đã tăng giá 4% so với USD. Điều đó đặt đồng USD trước thách thức mới: Bắc Kinh càng để cho đồng tiền tăng giá, nhu cầu mua USD để kiềm giá đồng nội tệ càng nhỏ. Động thái của Trung Quốc sẽ thu hẹp nguồn mua USD quan trọng trong những năm qua.

Hai mặt của đồng tiền yếu

Điểm lợi là đồng USD yếu sẽ giúp hàng hóa của Mỹ có giá cạnh tranh hơn, thúc đẩy xuất khẩu, qua đó kích thích các công ty công nghiệp và công nghệ. Từ khi thoát khỏi khủng hoảng vào quí 3/2009 đến nay, xuất khẩu đóng góp khoảng 1,4 điểm phần trăm vào tỷ lệ tăng trưởng hàng năm 3% của kinh tế Mỹ và thương mại trở thành lĩnh vực đóng góp nhiều nhất vào GDP trong suốt 18 tháng qua.

Nhưng mặt trái là đồng USD suy yếu sẽ làm cho người tiêu dùng khốn khổ vì giá cả leo thang, nhất là giá xăng dầu nhập khẩu. Tiến sỹ Weiss cảnh báo do đồng USD mất giá nghiêm trọng, nguy cơ mới đang nổi lên là sự sụp đổ của thị trường trái phiếu Mỹ, đang được xem là bong bóng tài chính lớn nhất thế giới và có nguy cơ sẽ nổ trong năm 2011. Chuyên gia tiền tệ nổi tiếng Bryan Rich cho rằng hiện tại đồng USD vẫn chiếm 62% dự trữ tiền tệ toàn cầu (giảm 3% so với trước khủng hoảng kinh tế thế giới mới đây), song sự mất giá kỷ lục có thể là dấu hiệu báo động chấm dứt vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu của đồng USD và sự cáo chung của siêu cường kinh tế Mỹ.

Kẻ được lợi trong đà lao dốc của đồng USD chính là vàng. Giá vàng đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.500 USD/ounce hồi đầu tuần này và chưa cho thấy dấu hiệu sẽ ngừng chinh phục các mốc cao mới.

Mỹ sẽ giữ “đồng USD mạnh"

Trước thực tế đồng USD vẫn tiếp tục giảm mạnh, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy F. Geithner đã tái khẳng định cam kết của Mỹ về một "đồng USD mạnh" và cho biết Mỹ sẽ không làm suy yếu đồng bạc xanh để hưởng lợi về thương mại đối với các nước khác. Ông Geithner khẳng định, cho dù kinh tế Mỹ đang phục hồi chậm chạp nhưng Mỹ sẽ không sử dụng đồng USD yếu để đổi lấy sự thịnh vượng của đất nước.

Khẳng định của Geithner cho thấy nỗ lực của ông trong việc đảm bảo với các nhà đầu tư rằng Mỹ sẽ lấy lại tăng trưởng kinh tế ổn định và lâu dài. Trước đó, có nhiều ý kiến cho rằng, cách duy nhất nền giúp kinh tế Mỹ phục hồi là sử dụng đồng USD yếu và phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu.

Phương Linh (tổng hợp)