Một cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên ở Bierwang, Đức. (Nguồn: AP) |
Thị trường khí đốt châu Âu liên tục biến động trong những tháng gần đây do nắng nóng cực độ, hoạt động bảo trì tại các nhà máy khí đốt và đình công tại các cơ sở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn ở Australia.
Australia đóng vai trò quan trọng trong thị trường LNG toàn cầu. Phần lớn hàng xuất khẩu của nước này đến Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, nhưng theo các chuyên gia, sự gián đoạn do các cuộc đình công có thể sẽ dẫn đến việc châu Á và châu Âu phải cạnh tranh mua LNG từ các nhà cung cấp khác.
Nhà phân tích năng lượng Ana Maria Jaller-Makarewicz tại Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA - một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ) cho biết: “Nỗi lo ngại về tình trạng mất cân bằng cung và cầu khí đốt đã chi phối thị trường”.
Bà cho hay, sự kết hợp giữa mức tiêu thụ khí đốt thấp hơn và việc châu Âu lấp đầy các cơ sở lưu trữ trước thời hạn đã ngăn giá khí đốt tăng vọt lên mức đỉnh bất thường. Dù vậy, châu Âu nên chuẩn bị tinh thần cho những biến động của thị trường trong những tháng tới.
Nhà phân tích Jaller-Makarewicz nhấn mạnh: “Thị trường khí đốt đang trở nên rủi ro hơn. Giá khí đốt và LNG ngày càng biến động và bị ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố toàn cầu.
Sự không chắc chắn về các sự kiện trong tương lai có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cấp khí đốt. Như đã thấy trong các sự kiện năm ngoái ở châu Âu, cách duy nhất mà các nước nhập khẩu có thể giảm thiểu rủi ro đó là giảm mức tiêu thụ nội bộ".
mức dưới 37 Euro cho mỗi megawatt giờ (MWh). Con số này thấp hơn đáng kể so với mức giá cao nhất 340 Euro mỗi MWh vào tháng 8/2022, tuy nhiên, vẫn cao gấp hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2019.
Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được mục tiêu lấp đầy 90% công suất của các cơ sở lưu trữ khí đốt, trước thời hạn ngày 1/11. Điều này đưa khối 27 thành viên vào một vị thế tương đối mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu sử dụng khí đốt trong mùa Đông tới.
Dữ liệu mới nhất do Cơ quan cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE) tổng hợp cho thấy, mức lưu trữ tại các cơ sở dưới lòng đất của EU trung bình đã đầy gần 94%.
Dù vậy, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vẫn cảnh báo rằng, ngay cả các cơ sở lưu trữ đã "đầy hàng" cũng không đảm bảo được các tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Trong báo cáo thị trường khí đốt công bố ngày 17/7, IEA cho rằng: “Một mùa Đông lạnh giá, cùng với việc Nga ngừng cung cấp khí đốt qua đường ống cho EU bắt đầu từ ngày 1/10 có thể dễ dàng làm gia tăng biến động giá cả và căng thẳng thị trường”.
Cảnh báo của cơ quan trên được đưa ra khi khối 27 quốc gia tiếp tục ngừng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga sau khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Các nhà phân tích tại công ty tư vấn chính trị Eurasia Group thì lo ngại, sẽ có “sự gián đoạn thực sự” đối với thị trường châu Âu.
Christyan Malek, Trưởng bộ phận nghiên cứu cổ phiếu dầu khí tại JPMorgan, cho biết, tình hình thị trường khí đốt “rất biến động” và khó dự đoán.
Ông nói: "EU sẽ đạt 95% dung lượng lưu trữ khí đốt vào cuối năm nay và 50% dung lượng lưu trữ vào tháng 3 năm sau. Điều đó có nghĩa là chúng tôi có một 'vùng đệm' khá tốt. Nhưng nếu mùa Đông năm nay rất lạnh, khối 27 thành viên sẽ gặp vấn đề”.
Đồng quan điểm, bà Florence Carlot, nhà phân tích thị trường năng lượng tại công ty tư vấn Arthur D. Little nhận định: “Với nhu cầu thấp và dự trữ đầy đủ, tình hình sẽ tốt khi mùa Đông đến gần. Nhưng EU cũng không tránh khỏi mùa Đông lạnh giá, điều sẽ lại gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng khí đốt.
Sự kết hợp của các yếu tố làm gián đoạn nguồn cung như đình công ở Australia, Nga cắt giảm xuất khẩu năng lượng hay nhiệt độ xuống thấp có thể dẫn đến phản ứng mạnh mẽ trên thị trường năng lượng”.