📞

Khí đốt Na Uy thay Nga 'chiếm sóng' tại châu Âu, Ba Lan muốn làm điều này ở Trung Âu

Việt An 08:55 | 16/03/2023
Ngày 15/3, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố, nước này đặt mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng cho Trung Âu.
Ba Lan muốn trở thành trung tâm khí đốt của Trung Âu. (Nguồn: Norway News)

Phát biểu tại hội nghị về hợp tác năng lượng Ba Lan-Ukraine tại Warsaw, Thủ tướng Morawiecki nói: “Kế hoạch của chúng tôi là trở thành một trung tâm năng lượng, đặc biệt là trung tâm khí đốt, cho Trung Âu”.

Theo hãng thông tấn Ba Lan PAP, hội nghị có sự tham gia của đại diện chính phủ và các công ty năng lượng hàng đầu của hai nước.

Theo ông Morawiecki, kế hoạch của chính phủ Ba Lan dựa trên các tuyến đường ống hiện có, cũng như các khoản đầu tư trong tương lai của đất nước vào năng lượng hạt nhân.

Thủ tướng Ba Lan cho biết, nước này đã đầu tư vào một cảng nổi để tiếp nhận, lưu trữ và khí hóa khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), đồng thời đang mở rộng các cơ sở xử lý dầu thô của công ty Naftoport ở Gdansk.

Ông Morawiecki khẳng định: "Các đối tác của Ba Lan như Ukraine, Czech, Slovakia và Hungary có thể sử dụng cơ sở hạ tầng này trong tương lai. Ba Lan và Czech đang có kế hoạch nối lại dự án chung xây dựng đường ống liên kết khí đốt Stork II và các cầu nối năng lượng xuyên biên giới khác giữa hai nước.

Theo Thủ tướng Morawiecki, hợp tác năng lượng với Ukraine và các nước láng giềng "cũng là một yếu tố thuộc lợi ích quốc gia của Ba Lan", đồng thời kỳ vọng kế hoạch này sẽ đưa Ba Lan trở thành nhà cung cấp an ninh năng lượng khu vực, nhờ đó sẽ củng cố vị thế chính trị của nước này ở Trung Âu.

* Ủy viên năng lượng EU Kadri Simson cho biết, Na Uy đã thay thế Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của châu Âu.

Thông tin trên được đưa ra tại một cuộc họp báo của Nghị viện châu Âu mới đây.

Bà Kadri Simson nói: “Kể từ tháng 9/2022, khí đốt của Nga chỉ chiếm khoảng 8% tổng lượng khí đốt đường ống nhập khẩu vào EU. Nhập khẩu khí đốt từ Nga trong năm ngoái là 61 tỷ m³ (bcm). Nhà cung cấp khí đốt số một cho châu Âu không còn là Nga. Đó là Na Uy”.

Theo bà Simson, những nghi ngờ về việc châu Âu không thể nhập khẩu đủ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để thay thế khí đốt của Nga cũng đã tan biến.

EU đã mở ba trạm tiếp nhận khí đốt mới trong vòng chưa đầy một năm, trong khi 5 trạm khác được lên kế hoạch hoàn thiện vào cuối năm 2023 với tổng công suất 50 bcm.

Bà Kadri Simson tiết lộ, châu Âu đã nhập khẩu tổng cộng 135 bcm LNG, trong đó riêng từ Mỹ là 56,4 bcm. Như vậy, nhập khẩu LNG của châu Âu đã tăng thêm 34 tỷ m³ so với cùng kỳ năm ngoái.

(theo Reuters, Norway News/TTXVN)