Vận chuyển khí đốt qua Ukraine là con đường duy nhất để Nga cung cấp cho các quốc gia Tây và Trung Âu. (Nguồn: Getty Images) |
Ngày 23/1, Gazprom chỉ cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Ukraine với khối lượng 24,4 triệu m³ mỗi ngày (mcm) thông qua trạm trung chuyển Sudzha.
Tập đoàn này cho biết thêm, yêu cầu bơm khí đốt qua trạm bơm khí Sokhranovka đã bị phía Ukraine từ chối.
Ukraine đã đóng cửa trạm quá cảnh Sokhranovka - một tuyến vận chuyển khí đốt quan trọng xử lý khoảng một phần ba lượng khí đốt của Nga chảy qua nước này tới EU - vào đầu tháng 5/2022.
Việc cung cấp khí đốt hàng ngày của Nga tới EU thông qua Ukraine đã giảm kể từ đầu tháng 1/2023. Dòng chảy khí đốt qua Sudzha chỉ còn 35,5 mcm vào đầu tháng 1, giảm so với hơn 40 mcm trong vài tháng qua.
Một số chuyên gia cho rằng, khối lượng quá cảnh thấp hơn là do nhiệt độ mùa đông ấm áp bất thường ở hầu hết các nước châu Âu và khối lượng khí đốt cao trong các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất của họ.
Các nguồn cung cấp của Gazprom cho EU - khu vực khách hàng lớn nhất của công ty này - đã giảm vào năm ngoái do hậu quả của lệnh trừng phạt sâu rộng chống Nga của khối 27 thành viên.
Vận chuyển khí đốt qua Ukraine vẫn là con đường duy nhất để Nga cung cấp cho các quốc gia Tây và Trung Âu sau khi đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) bị hư hại và không thể hoạt động vào tháng 9/2022.
* Theo trang Oil Price, Đức đã chấm dứt phụ thuộc vào khí đốt Nga. Giảm phụ thuộc khí đốt Nga đã trở thành ưu tiên số một, không chỉ đối với Đức mà còn đối với toàn EU. Hiện tại, kế hoạch này đang hiệu quả nhưng vấn đề là cách tiếp cận này không thể hiệu quả lâu dài.
Nhà phân tích Javier Blas tại Bloomberg dự báo rằng, châu Âu sẽ bắt đầu mua lại khí đốt Nga vào tháng 12/2023, nhất là khi chênh lệch giữa giá khí đốt chuyển qua đường ống từ Nga và giá khí hóa lỏng (LNG) chuyển từ cách châu Âu nửa vòng Trái đất là rất lớn.
Nhà phân tích Blas cho hay: “Châu Âu có thể sẽ không bao giờ quay trở lại các hợp đồng dài hạn như trước đây với Nga và có thể dần dần sẽ cần nhập khẩu ít khí đốt hơn nhờ có năng lượng tái tạo.
Nhưng nếu châu Âu muốn duy trì tính cạnh tranh của các ngành công nghiệp hóa chất, thực phẩm và công nghiệp nặng, thì châu lục này sẽ cần một ít khí đốt giá rẻ. Với châu Âu, không có loại khí đốt nào rẻ hơn so với khí đốt Nga”.
Theo ông Blas, không thể bỏ qua thực tế là khí đốt Nga rẻ nhất đối với châu Âu. Chuyển sang sử dụng LNG đã khiến châu Âu phải trả hơn 1.000 tỷ Euro và vẫn đang khiến châu lục này phải trả giá đắt.
Nhà phân tích này nhất mạnh: "Dù giá khí đốt đã giảm xuống mức trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nhưng giá vẫn chưa giảm trở lại mức từ năm 2021 - trước khi cuộc khủng hoảng khí đốt bắt đầu. Giá khí đốt có thể không bao giờ trở lại mức đó nếu châu Âu tiếp tục con đường hiện tại".