Theo thỏa thuận này, FPT sẽ hỗ trợ PVEP chuyển dịch các hoạt động sản xuất kinh doanh sang môi trường số hóa (Digital Transformation) nhằm tăng hiệu quả khai khác dầu khí, giảm thiểu thời gian ngừng hoạt động do sự cố của hệ thống thiết bị, tiết kiệm chi phí và hạn chế rủi ro cho PVEP.
Cụ thể, hai bên sẽ ưu tiên phát triển nguồn lực, trí tuệ hướng tới quan hệ đối tác lâu dài, tạo điều kiện hợp tác triển khai và chia sẻ tri thức trong việc khai thác các giải pháp công nghệ dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến nhất như: IoT (Internet of Things), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu (Data Science). Trong thời gian tới, hai bên sẽ gặp gỡ, thảo luận và lựa chọn dự án đang khai thác của PVEP để triển khai thí điểm các giải pháp công nghệ mới phù hợp với dự án.
Tổng Giám đốc PVEP và Chủ tịch FPT ký kết Thỏa thuận Hợp tác. |
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho rằng, chỉ có cách mạng 4.0 mới đưa ra những dự báo thiết thực để giải bài toán cụ thể trong ngành dầu khí là làm sao để khai thác tối ưu mà vẫn đảm bảo an toàn cho mỏ, đồng thời tiết kiệm chi phí đầu tư thiết bị cũng như rút ngắn được giai đoạn thăm dò.
Ông Bình cũng cho rằng, Cách mạng 4.0 đang mang tới một nghịch lý mà nếu bỏ qua những chần chừ, hoài nghi để sẵn sàng dấn thân, không sợ trả giá có thể mang lại những giá trị to lớn. “Ở các lĩnh vực khác, Cách mạng 4.0 có thể tăng thông lượng giao thông 35% giảm 58% tai nạn. Còn trong ngành dầu khí với đặc thù ứng dụng các công nghệ và kỹ thuật cao đã tiệm cận mức tối ưu thì dù chỉ cải tiến thêm một vài phần trăm thôi đã có thể mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn”. Ông cũng khẳng định đối với Việt Nam thì dầu khí và công nghệ phần mềm là hai lĩnh vực mà trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với thế giới.
Trong bối cảnh các công ty dầu khí quốc tế, trong đó có PVEP, đều phải đối mặt với những khó khăn to lớn do tình trạng giá dầu thấp và duy trì trong thời gian dài, việc ứng dụng các công cụ, giải pháp công nghệ tiên tiến hỗ trợ cho quy trình công việc và công đoạn nghiệp vụ nhằm phân tích dữ liệu ngành Dầu khí chính xác hơn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả và tối ưu hóa chi phí trong công tác thăm dò khai thác.
Tiến sỹ Ngô Hữu Hải, Tổng Giám đốc PVEP cho biết, lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí luôn ẩn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu thấp cùng các hệ luỵ khác từ các dự án chưa thành công trước đây thì PVEP bắt buộc phải nâng cao trình độ quản trị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới để giảm chi phí đầu tư, chi phí hoạt động đồng thời tăng thời gian sản xuất liên tục cao hơn hiện tại, đạt mức khoảng 98-99%.
“Với quy mô hoạt động hiện nay của PVEP (sản lượng khai thác trung bình gần 100 nghìn thùng/ngày với doanh thu ước tính gần 6 triệu USD/ngày) thì chỉ cần tăng được thêm 1% là đủ xứng đáng để chúng tôi quyết định triển khai. Đây là vấn đề hoàn toàn mới và hết sức cấp bách. Tiếp cận và tận dụng công nghệ 4.0 đòi hỏi phải có con người 4.0 với tư duy 4.0, hành động 4.0 và tham vọng 4.0. Phải nhanh, gọn và chính xác để không bị tụt hậu.
FPT đã rất nổi tiếng với thế mạnh về các phần mềm tại Việt Nam và thế giới còn PVEP là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam vì vậy tôi hoàn toàn tin tưởng sự kết hợp giữa hai tên tuổi lớn với sự đồng điệu và cộng hưởng cả về hoài bão lẫn tham vọng này sẽ thành công. PVEP sẽ chọn mô hình mỏ đơn giản nhất để triển khai, sau đó lan rộng mô hình không chỉ ở trong nước mà còn ở các dự án nước ngoài”, ông Hải nói.
Việc ký kết Thỏa thuận này cũng sẽ giúp PVEP và FPT tăng cường hợp tác toàn diện và lâu dài trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ chuyên ngành dầu khí. Kinh nghiệm và thế mạnh của FPT sẽ giúp PVEP định vị được mình sẽ làm gì trong cuộc cách mạng, chuẩn bị nguồn nhân lực, xây dựng hệ sinh thái và hạ tầng phù hợp để đón đầu và tận dụng xu thế công nghệ tiên tiến.
Ngược lại, FPT sẽ có cơ hội được tiếp cận với môi trường kỹ thuật công nghệ thăm dò khai thác dầu khí đặc thù để thử nghiệm và nâng cao phạm vi ứng dụng, qua đó hoàn thiện hơn dịch vụ và các giải pháp công nghệ của mình không chỉ ở Việt Nam mà còn mở rộng ra phạm vi thế giới.