📞

Khi Mỹ “dứt áo ra đi” khỏi Syria

07:30 | 01/07/2018
Lặng im trước đợt công kích dồn dập đến từ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad vào Deraa, thành trì của lực lượng nổi dậy, Washington dường như đang “nhường” quyền kiểm soát chiến trường này cho Nga và Quân đội Syria.

Ngày 25/6, quân đội Syria, phối hợp với không quân Nga, đã mở rộng chiến dịch tấn công mạnh mẽ vào khu vực Tây Nam Syria, với tiêu điểm là Deraa, thành lũy quan trọng của lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA) và Hay’at Tahrir Al-Sham. Trong đêm ngày 26/6, quân đội Syria đã phá vỡ tuyến phòng thủ của các tay súng phiến quân, chiếm được thị trấn chiến lược Busra Al-Harir. Đây là vị trí trọng điểm, nằm ngay trên tiền tuyến phòng ngự của quân đội Syria.

Có thể nói, sự can thiệp bằng không quân của Nga đã mang lại ưu thế tuyệt đối cho các lực lượng bộ binh và xe tăng của Syria. Kremlin cũng cho rằng thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên tại Tây Nam Syria nhằm xây dựng khu vực “giảm căng thẳng” đã chấm dứt khi Israel liên tục có các cuộc không kích vào các khí tài quân sự của Iran tại Damascus.

Quân đội Syria đã kiểm soát hoàn toàn thị trấn Busra Al-Harir sau chiến dịch giao tranh ác liệt ngày 25 và 26/6. (Nguồn: Nabaa Media)

Tuy nhiên, Moscow “gọi”, song Washington đã không “trả lời”. Phát ngôn duy nhất của Nhà Trắng về vấn đề này được dành cho lực lượng nổi dậy và FSA: “Người Phát ngôn của Hội đồng quân sự FSA phương Nam, Raed Radi, xác nhận Mỹ đã gửi email cho các lãnh đạo FSA ở Nam Syria trong khu vực Deraa và Quneitra, khẳng định không quân Liên quân do Mỹ dẫn đầu sẽ không can thiệp vào các giao tranh sắp tới tại Deraa”.

Động thái “đem con bỏ chợ” của chính quyền Mỹ đã được dự báo từ trước, khi Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần bày tỏ ý định rút quân khỏi Syria. Trong cuộc gặp với Quốc vương Jordan Abdullah II tại Washington, ông chủ Nhà Trắng đã “bày tỏ quan ngại” về chiến dịch của phe Assad tại vùng Tây Nam Syria, nhưng không đề cập đến sự can thiệp của Mỹ. Tương tự, trao đổi với phóng viên, ông Trump cũng khẳng định tình hình Trung Đông đã “đạt được nhiều tiến triển”, song không giải thích thêm. Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 25/6 cho biết Washington đang “theo dõi sát sao và nhấn mạnh với Nga về tầm quan trọng của việc tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn”.

Việc Nhà Trắng không can thiệp hay quyết liệt với những động thái của Điện Kremlin và chính quyền của ông Assad sẽ mang tới hai hệ lụy đáng kể. Đầu tiên, thiếu vắng sự can thiệp của Mỹ và phải chống chọi với hợp lực từ quân đội Nga và Syria, lực lượng nổi dậy tại Syria sẽ sớm sụp đổ. Khi đó, hai kịch bản sẽ có thể xảy ra: lực lượng này sẽ phải bỏ Deraa và rút về cao nguyên Golan đang bị Israel chiếm đóng, hoặc đầu hàng vô điều kiện, tìm kiếm một giải pháp hòa bình với Nga và Quân đội Syria. Do đó, đợt tấn công Tây Nam Syria có thể là chiến dịch quy mô cuối cùng trong cuộc nội chiến dai dẳng tại đây.

Hệ lụy còn lại đến từ hậu quả của chiến dịch, khiến ít nhất 45.000 người phải sơ tán. Địa điểm có khả năng nhất mà dòng người sẽ đổ về là thủ đô Amman của Jordan. Tuy nhiên, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ tại Washington ngày 25/6 vừa qua, Quốc vương Jordan Abdullah II đã khẳng định sẽ không tiếp nhận những người tị nạn này. Động thái này có thể gây ra một thảm họa nhân đạo mới, khiến tình trạng căng thẳng ở Trung Đông nóng càng thêm nóng.