Những điểm yếu trong nông nghiệp
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu thực trạng: "Bài ca" được mùa mất giá, được giá mất mùa quá quen thuộc mà nông dân và đại biểu Quốc hội "hát đi hát lại" qua nhiều nhiệm kỳ. Nhiều năm qua hết thanh long, dưa hấu, tỏi, hành tím, hạt tiêu, giờ thịt heo, trứng gà, bí đỏ, chuối,... ế ẩm, dư thừa phải giải cứu, và danh sách nông sản ế có thể sẽ còn kéo dài.
Trước tình trạng thịt heo rẻ như khoai lang, ông Cương nhấn mạnh, báo cáo của Chính phủ vẫn chưa có đánh giá cụ thể.
Đại biểu Cương đề xuất Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần tăng thời gian chất vấn để tìm giải pháp tiêu thụ nông sản, song song với việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Đoàn Văn Việt (Lâm Đồng) cho biết, dù nông nghiệp là ngành quan trọng của nền kinh tế nhưng vẫn còn nhiều tồn tại.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương. (Nguồn: VGP) |
Theo ông Việt, ngành nông nghiệp đang chạy theo sản lượng, nguồn cung dư thừa dẫn tới được mùa rớt giá. Nông dân còn sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, công nghệ chiến biến sau khi thu hoạch chưa phát triển, giá trị hàng hóa nông nghiệp còn thấp. Nông dân chủ yếu lấy công làm lãi, sản xuất không theo quy hoạch, tự phát...
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng, trong vấn đề tăng trưởng kinh tế hiện nay, nút thắt lớn nhất chủ yếu vẫn do tăng trưởng không tốt từ khu vực sản xuất, đặc biệt là khâu chế biến.
Với thực trạng hiện nay, giá một số mặt hàng không ổn định như giá thịt lợn hơi, giá tiêu, giá trứng giảm mạnh gây thiệt hại lớn cho người sản xuất. Giải pháp của Chính phủ là đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó có giải pháp giải cứu ngành chăn nuôi lợn là giải pháp tức thời, để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, Chính phủ cần có giải pháp căn cơ, ồng bộ hơn, bà Phúc nêu ý kiến.
Đẩy mạnh tái cơ cấu và liên kết các nhà
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, cần thay đổi tư duy trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Vừa qua ngành nông nghiệp có một số phát động trợ giá ngắn hạn là không hiệu quả. Các bộ, ngành, địa phương mới chỉ quan tâm đến chỉ tiêu sản xuất, chưa quan tâm đến giá cả. Cần chuyển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Cũng theo ông Hòa, hiện Việt Nam chưa có bộ máy nghiên cứu thị trường. Việc tìm kiếm thị trường nước ngoài có vai trò rất quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp.
Trăn trở với những khó khăn của nông dân, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng, cần tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển hạ tầng đảm bảo phục vụ cho hoạt động sản xuất, tăng cường quản lý nhà nước, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Theo bà Thuý, cần có chính sách đặc thù cụ thể để xây dựng mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến tới tiêu thụ ổn định, đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng, của người dân, của doanh nghiệp và nhà nước.
"Điệp khúc" được mùa mất giá đã kéo dài hàng năm nay. (Nguồn: Báo Đất Việt) |
Đề xuất giải pháp "cứu" ngành nông nghiệp, đại biểu Đoàn Văn Việt của tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: Chính phủ cần có chính sách mạnh mẽ và cụ thể hơn nữa để hỗ trợ xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tạo bước chuyển biến trong sản xuất và kinh doanh, doanh nghiệp hóa nông dân, doanh nghiệp hóa nông nghiệp. Chính sách này để phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt phải có cơ chế để phát triển công nghiệp chế biến nông sản.
Đồng thời, đại biểu này cũng kiến nghị, cần xây dựng khung chính sách rõ ràng tạo điều kiện cho các địa phương đẩy mạnh các hoạt động liên kết nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông và ngân hàng.
"Mục tiêu là làm sao quy hoạch được vùng nguyên liệu đủ để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến các loại nông sản theo đó việc tập trung tích tụ đất đai liên kết giữa các hộ nông dân là những giải pháp cần phải tính đến", ông Việt góp ý.